Cần thêm cơ chế hỗ trợ vận động viên thể hình
Thể thao - Ngày đăng : 07:02, 18/02/2022
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác huấn luyện của Bộ môn Thể hình ở Hà Nội hiện nay?
- Do một số khó khăn về cơ sở tập luyện và thi đấu, nên Bộ môn Thể hình ở Hà Nội đang được bố trí tập tại phòng tập ở khu chung cư Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chúng tôi rất mong được bố trí tập luyện với đầy đủ trang thiết bị tại một phòng tập trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, giúp bộ môn ổn định tổ chức, tập trung triển khai các kế hoạch dài hạn.
Trong năm 2022, Bộ môn Thể hình đặt mục tiêu có vận động viên được tham gia và đạt kết quả tốt tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vào tháng 5 tới; đồng thời, phấn đấu giành Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay. Hiện tại, trong số 17 vận động viên được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị SEA Games 31, Hà Nội chỉ có một vận động viên được góp mặt, nhưng đây là gương mặt rất xuất sắc. Đó là lực sĩ Tạ Đình Thái, từng có 8 năm giành Huy chương vàng tại Giải vô địch quốc gia hạng 85kg, từng giành Huy chương bạc ở cả Giải vô địch châu Á và Đông Nam Á. Năm nay, Thái chuyển sang thi đấu ở hạng 80kg, nhưng tôi kỳ vọng vận động viên này tiếp tục có được thành tích đáng khích lệ.
Với Đại hội Thể thao toàn quốc, trong bối cảnh hiện tại, thể hình Hà Nội chỉ đặt mục tiêu giành 1 Huy chương vàng, do đang ở giai đoạn chuyển giao lực lượng, nhiều vận động viên thi đấu và cống hiến hơn 10 năm qua đã nghỉ thi đấu, trong khi đó, các vận động viên trẻ vẫn cần có thời gian để đạt độ chín về trình độ.
Cái khó lớn nhất, thể hình là môn đặc thù, nên rất cần chú trọng về việc đầu tư chế độ dinh dưỡng, cũng như bổ sung thực phẩm chức năng hỗ trợ vận động viên siết cân trước khi thi đấu, song vẫn bảo đảm thể lực. Trong khi đó, tiền bồi dưỡng theo ngân sách không thể bảo đảm đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho vận động viên chuyên nghiệp. Thực tế, ngoài giờ tập luyện, nhiều vận động viên phải đi dạy thêm ở các trung tâm thể hình, trung tâm gym bên ngoài để có thêm thu nhập, phục vụ việc tập luyện, nhưng khoản này cũng rất bấp bênh, nhất là trong 2 năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Thể hình là môn phát triển xã hội hóa tốt, nhiều người thích tập luyện. Vậy, bộ môn đã có sự phối hợp thế nào với các câu lạc bộ trong tuyển chọn và đào tạo, thưa ông?
- Phong trào tập luyện thể hình ở Hà Nội rất mạnh. Bộ môn Thể hình cũng tổ chức Giải vô địch thể hình Hà Nội hằng năm, nhằm tuyển chọn thêm các tài năng nhiều triển vọng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, cơ chế về lương, thưởng chưa đáp ứng được yêu cầu đối với bộ môn mang tính đặc thù này, nên nhiều vận động viên có huy chương tại Giải vô địch thể hình Hà Nội lại đi “đầu quân” cho các địa phương khác. Càng ngày, công tác tuyển chọn càng khó khăn. Nhiều vận động viên chủ động đầu tư ăn, tập chuyên nghiệp, nhưng chủ yếu vì mục tiêu sức khỏe và giữ dáng vóc, không đặt rõ ràng mục tiêu giành huy chương quốc tế.
- Ông nghĩ thế nào về tầm quan trọng của việc thuê chuyên gia huấn luyện và chuyên gia dinh dưỡng đối với bộ môn này?
- Thể hình rất cần được đầu tư về tài chính và có cơ chế đặc thù. Chúng tôi cần được bổ sung thêm kinh phí để tuyển thêm lực lượng, vì lực lượng hiện tại rất “mỏng”, không đủ để tham dự nhiều hạng cân ở mỗi giải thi đấu, ảnh hưởng đến khả năng tranh chấp huy chương. Một khi vận động viên không còn phải lo cơm áo gạo tiền, chỉ chuyên tâm luyện tập, kết quả chắc chắn sẽ rất khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!