Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 18/02/2022
Thích ứng với bình thường mới
Khác hẳn với không khí trở lại đi làm sau 2 kỳ nghỉ Tết trước đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, người lao động ở Hà Nội đã bắt đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ dài ngày trong không khí khá hào hứng. Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông có những thời điểm kẹt cứng khách di chuyển - hình ảnh từng rất hiếm gặp trong nhiều tháng thành phố áp dụng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Trong dòng người hối hả đó, không ít người lao động mang nhiều tâm tư do thị trường việc làm năm nay chắc chắn khó khăn hơn nhiều bởi rất nhiều công ty vừa và nhỏ đã rời bỏ thị trường sau mùa dịch. Số khác mất đơn hàng nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Chị Phạm Tuyết Nhung (32 tuổi) vốn là thợ may mẫu ở công ty may chuyên gia công xuất khẩu cho thị trường châu Âu. Công việc của chị là hiện thực hóa các bản vẽ của nhà thiết kế, đưa ra các số liệu, kích thước cắt, may chuẩn để làm mẫu cho công nhân dây chuyền. Tuy nhiên, tháng 8-2021, nhà máy chuyển xưởng sản xuất về Hải Phòng để giảm thiệt hại trong khâu logistics bị đứt gãy vì đại dịch. Vì cả nhà đang thuê trọ ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) nên chị không thể theo được, đành xin nghỉ việc. Thất nghiệp đúng lúc dịch bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp dừng hoạt động, chị Nhung không thể tìm được việc, đành ngồi nhà. Khi Thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, chị lên mạng tìm thông tin tuyển dụng, nhờ người quen giới thiệu nhưng không nơi nào nhận. Trước Tết vừa qua, một công ty có gọi thử việc nhưng chỉ ít ngày sau chị được bộ phận nhân sự thông báo chưa tuyển vì thợ cũ đổi ý, không nghỉ việc nữa. Một thời gian sau, chị Nhung may mắn xin được việc làm tương tự tại một công ty may chuyên sản xuất đồ thời trang trẻ em ở Khu công nghiệp Minh Khai. Tuy nhiên, để có tiền phụ thêm nuôi hai con nhỏ đang tuổi học mẫu giáo, chị vẫn tranh thủ tìm việc làm thêm.
Cũng mong sớm tìm được việc làm, chị Bùi Thu Hằng (27 tuổi, ở tổ 1, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) quyết định nộp đơn xin ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh của Công ty khuôn đúc Tsukuba Việt Nam, với mức lương dự kiến 12 - 15 triệu đồng/tháng. Chị Hằng từng làm hướng dẫn viên du lịch trong 5 năm. Tuy nhiên, 2 năm qua, ngành Du lịch gần như “đóng băng”, giống như nhiều hướng dẫn viên du lịch khác, chị đã phải tạm thời chuyển nghề để mưu sinh. Dù đang rất mong ngành Du lịch phục hồi để chị có thể trở lại với công việc mà mình đã gắn bó, song mọi chuyện không thuận lợi. Chị quyết định làm nhân viên kinh doanh. Với trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng biến và đàm phán, chị Hằng có thể dễ dàng chuyển sang làm nhân viên kinh doanh cho các công ty sản xuất của nước ngoài tại Hà Nội.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thương ở phố Sơn Tây (Hà Nội) quyết định sang Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để thử sức ở công ty mới ở vị trí công việc lắp ráp, dán tape, kiểm hàng. “Đây là cơ hội có việc làm ổn định, thu nhập từ 8 - 11 triệu đồng/tháng, công ty còn hỗ trợ đưa đón, có phòng trọ ở gần công ty”, anh Thương cho biết. Trước đó, anh Thương từng làm công nhân ở Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín) được 3 năm, nhưng lương thưởng không tốt nên xin nghỉ từ cuối năm 2021. Cũng với suy nghĩ sau Tết nhiều người muốn đổi việc, các nhà máy tăng tuyển dụng nên anh tin rằng bản thân sẽ sớm tìm được công việc tốt hơn. Mấy ngày nghỉ ở nhà, anh Thương lên mạng xã hội, vào các nhóm tuyển dụng lao động, trang tìm kiếm việc làm để đăng tin vào mục “Người tìm việc”. “Công việc không thiếu, nhưng tìm được việc làm đáp ứng các nhu cầu của mình mới là điều quan trọng” - anh Thương cho biết.
Trong một khoảng thời gian dài, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng điều đó không làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu việc làm của người dân. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản xuất đều đang gấp rút đẩy mạnh hoạt động, tạo thuận lợi để nhiều lao động có cơ hội có thêm nguồn thu nhập bằng những công việc thời vụ, việc làm bán thời gian. Điển hình là tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, người lao động có thể tìm các công việc như công nhân thời vụ, nhân viên bán hàng, thu ngân, gói quà, tiếp thị, giao hàng, giúp việc theo giờ...
Lao động phổ thông có nhiều cơ hội hơn hẳn
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, với diễn biến thực tế, có thể thấy trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới, hoặc nếu có thì không đáng kể.
Theo đó, nhu cầu tuyển dụng đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở thời điểm đầu năm 2022. Với các vị trí việc làm như công nhân sản xuất, nhu cầu tuyển dụng là rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ... Ngoài ra, có rất nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị... đón chờ người lao động. Một số nhóm ngành về công nghệ thông tin, ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục, thậm chí tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Cường, Sáng lập hãng bia C-Brewmaster (bia thủ công) có nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Mê Linh (Hà Nội) cho rằng: So với các năm trước khi dịch Covid-19 ập đến, thị trường lao động cũng có phần im ắng hơn. Các đoàn xe container ra vào các khu công nghiệp ít hơn. Chưa kể chủ doanh nghiệp nào cũng đang lo giá nguyên vật liệu tăng. Tuy nhiên, nhiều nơi đang thiếu lao động vì nhiều người chưa quay trở lại.
Với việc các doanh nghiệp trong nhóm ngành sản xuất thiếu hụt nhân lực, lao động phổ thông đang có nhiều ưu thế để lựa chọn công việc phù hợp. Do đó, người lao động cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ doanh nghiệp mà mình muốn ứng tuyển để nộp hồ sơ.
Trong năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%.