Bình dị những ''chiến binh áo trắng''

Đời sống - Ngày đăng : 17:57, 19/02/2022

(HNNN) - Trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ đang được vinh danh là những “chiến binh áo trắng” bởi họ chính là lực lượng tuyến đầu chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Với tinh thần tận hiến, hy sinh vì cộng đồng, đội ngũ y, bác sĩ đã khiến chúng ta càng thêm thấu hiểu giá trị thiêng liêng của sinh mệnh và những điều tử tế giữa đời thường.

Với tinh thần tận hiến, đội ngũ y, bác sĩ là những tấm gương hy sinh vì cộng đồng, xứng đáng với sự vinh danh là những “chiến binh áo trắng” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Đặng Thanh

Những người “đi trước, về sau”

Hơn 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, những cán bộ làm công tác y tế dự phòng vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh, không một phút ngơi tay. Chỉ cần có thông báo về ca bệnh, ổ dịch thì dù nắng hay mưa, gió rét cắt da hay ánh mặt trời thiêu đốt, nửa đêm hay giữa trưa họ vẫn trùm đồ bảo hộ để đến địa bàn lấy mẫu xét nghiệm. Những bữa cơm trưa thường vào lúc 1 - 2h chiều và cũng chỉ để nhằm có sức làm việc. Nhiều cán bộ làm công tác truy vết, xét nghiệm khi được hỏi tới không ngăn nổi dòng nước mắt khi chưa thể làm tròn bổn phận lúc cha mẹ ốm đau hay khi con thơ khóc ngằn ngặt đòi sữa mẹ. Song không vì thế mà họ nản lòng, trong đôi mắt họ chứa đầy quyết tâm, tim họ tràn đầy nhiệt huyết, còn dịch bệnh họ sẽ vẫn tiếp tục hy sinh, tiếp tục cố gắng vì sức khỏe của người dân, vì sự bình an của cộng đồng.

Anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) cười hiền lành cho biết, rất khó kể về một ngày làm việc của mình bởi vì không ngày nào giống ngày nào, chỉ có nhiệm vụ là xuyên suốt, không đổi. Khi có thông tin ca bệnh, dù có đang ăn dở bữa cơm hay đang tranh thủ chợp mắt thì anh và đồng nghiệp cũng phải lập tức lên đường tới các địa điểm để thu thập thông tin cá nhân người liên quan, đưa ra các quyết định cách ly, đồng thời liên hệ lấy mẫu xét nghiệm. Có những ngày cao điểm phải làm việc liên tục từ sáng sớm và kết thúc lúc 2 - 3h sáng ngày hôm sau. Chập chờn chìm vào giấc ngủ khi đồng hồ đã 4h sáng để rồi 6 - 7h lại vội vã lên đường. Nhiều lúc đang làm thấy bụng đói cồn cào mới biết thời gian đã qua ngày, quá bữa. Khi ấy, người nọ thay phiên người kia ăn chớp nhoáng để quay lại làm việc.

Cũng theo anh Long, việc lấy mẫu xét nghiệm cứ liên tục, không thể dừng, có khi liên tục từ nửa đêm đến chiều hôm sau. Khi hết ca, người đã quá mệt, cứ có chỗ ngả lưng là có thể ngủ ngay được, bất kể là nền đá lạnh hay sàn nhà ngổn ngang. Đã có những người mệt lả, kiệt sức và ngất đi, khi tỉnh dậy chỉ kịp uống bù oresol, uống sữa rồi lại lao vào công việc...

Còn với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc các cán bộ phải ăn cơm trưa lúc 3h chiều hay nửa đêm mới ăn tối là chuyện thường. Khi Hà Nội đang có số ca mắc tới vài nghìn người/ngày thì có khi cả ngày họ chỉ kịp lót dạ một lần vào lúc 3h sáng. Chia sẻ về những ngày tháng không thể quên trong cuộc đời làm nghề y, Thạc sĩ Khúc Thị Rềnh Hoa (khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, khi Hà Nội vào cao điểm bùng phát dịch, mỗi ngày Bệnh viện phải xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu thì chị và đồng nghiệp phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Có con nhỏ sắp vào lớp 1, như mọi bà mẹ khác, chị Hoa muốn chuẩn bị hành trang đến trường cho con thật tốt, thật kỹ, để con có thể tự tin bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Nhưng chị đành gác lại tất cả dự định để dồn sức cho công việc chuyên môn. Hai mẹ con chỉ gặp nhau qua những cuộc điện thoại vội vàng trong ngày, hay cả lúc nửa đêm khi có được chút thời gian ngơi tay hiếm hoi.

Ngoài thực hiện sàng lọc Covid-19, khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm còn phải đáp ứng xét nghiệm thường quy 300 - 400 mẫu/ngày và làm sàng lọc cấp cứu tại các khoa, phòng. “Có những lúc chúng tôi quá mệt, không muốn nói cũng chẳng thể cười, ăn không có cảm giác ngon miệng, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Chúng tôi phải mở nhạc to lên để tinh thần tỉnh táo hơn và át bớt tiếng máy xét nghiệm chạy đều đều, khô khốc” - chị Hoa tâm sự.

Ảnh: Nguyễn Khánh

Biến đau thương thành sức mạnh

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ba cái Tết có sự xuất hiện của dịch Covid-19 là ba cái Tết anh không được về nhà. Tuy vậy, anh không chạnh lòng bởi hơn ai hết anh thấu hiểu khi Tổ quốc cần thì phải biết hy sinh, gác niềm riêng để hướng tới cái chung. Với y, bác sĩ lúc này không có ưu tiên nào cao hơn ưu tiên cho sức khỏe, sự bình an của người dân.

Kể về những ngày “Nam tiến” chống dịch, bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E cho hay, trong chuỗi ngày tháng u ám với áp lực điều trị hàng ngàn ca bệnh nặng, chỉ cần có ca bệnh tiến triển tốt, được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản, đôi mắt của các y, bác sĩ nhìn nhau qua tấm kính chống giọt bắn cũng hiện rõ niềm vui, hạnh phúc. Bác sĩ Nguyên kể, những ngày qua, anh và nhiều đồng nghiệp không có khái niệm ngày và đêm, chỉ có lịch làm việc được phân công theo ca kíp, người này ngủ thì người khác thức. Cứ như vậy, đội ngũ y tế thay nhau thức cùng bệnh nhân thâu đêm để theo dõi và xử trí khi cần thiết. Có những y, bác sĩ nữ sau cả tháng trời chiến đấu căng thẳng, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đôi mắt đã thêm thâm quầng, những vết nhăn nơi khóe mắt thêm lằn sâu. Còn bác sĩ nam thì tóc đã bạc thêm vài phần, râu không kịp cạo, tóc dài cũng không có thời gian cắt.

Với bác sĩ Bùi Thị Mỹ Lệ (khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị), ký ức về những ngày chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một kỷ niệm khó quên để mỗi ngày được sống, được làm việc với chị là một sự biết ơn. Qua lời kể của bác sĩ Mỹ Lệ, ngay từ lúc bắt đầu bước chân vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, chị gần như sốc khi thấy bệnh nhân nặng nằm la liệt. Thực tế kinh khủng hơn tất cả mọi thước phim về thảm họa chị đã từng xem, nó vượt xa trí tưởng tượng của chị. Tuy vậy, như một người lính ra chiến trường, giây phút hoảng loạn nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho bản lĩnh vững vàng, vượt qua sợ hãi, chị chỉ biết lúc này bệnh nhân cần chị...

Thấm thoát Việt Nam đã trải qua 3 mùa đông giá rét nơi “chiến trường không tiếng súng” với những “chiến sĩ áo trắng” đang ngày đêm chiến đấu chống dịch Covid-19 bằng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, không ngại gian khó. Đêm đông giá rét sẽ sớm qua để nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Chúng ta cùng hy vọng, mùa xuân của năm sau sẽ là những ngày cháy bỏng trong guồng quay lao động, sản xuất, trong tiếng cười nói rộn ràng, không phải mùa xuân của các chiến binh tìm diệt SARS-Cov-2 và đấu tranh giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Hơn 2 năm qua, viết nhiều bài báo về sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ “chiến binh áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch, những tưởng cảm xúc sẽ nhạt dần nhưng càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng nhận ra, mỗi y, bác sĩ đang tham gia chống dịch là một cuốn truyện dài xúc động, mà nếu cố gắng, tôi cũng chỉ khơi mở được một phần...

Mộc Miên