Chúng tôi nói về chúng tôi
Đời sống - Ngày đăng : 18:19, 19/02/2022
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:
Dù chỉ còn một tia hy vọng, chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực
Suốt thời gian dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, những bác sĩ tuyến đầu điều trị Covid-19 như chúng tôi không còn khái niệm nghỉ bù. Dịp Tết, cảm xúc có thể đôi chút xao động vì nhớ cảm giác được đoàn tụ với gia đình, nhưng guồng quay công việc, áp lực và tính mạng của bệnh nhân khiến mọi người nhanh chóng vào vị trí.
Là bác sĩ hồi sức cấp cứu có thâm niên 15 năm, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch nhưng tôi cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt của đợt dịch này. Trong cuộc chiến khốc liệt chống lại dịch bệnh, tôi và nhiều đồng nghiệp đã thực sự bị ám ảnh khi chứng kiến số bệnh nhân nhập viện và tử vong. Thậm chí, ngay cả lúc ngủ tôi cũng nghe thấy tiếng tít tít của máy thở văng vẳng bên tai.
Tuy vậy, từ trong đau thương, khốn khó, một trong những động lực lớn nhất của chúng tôi đó chính là sức khỏe của người bệnh. Nhìn những bệnh nhân thở máy, đằng sau họ là cả một gia đình mong ngóng họ trở về nhà khiến chúng tôi không thể gục ngã, không thể buông tay, dù chỉ còn một tia hy vọng chúng tôi cũng phải nỗ lực đến cùng. Chẳng hạn, một bệnh nhân nữ mới 24 tuổi, nặng 130kg, mắc Covid-19 khiến phổi tổn thương nặng nhưng cô gái đó vẫn có sự nỗ lực phi thường. Mỗi lần nhân viên y tế đi qua, cô ấy đều giơ tay vẫy chào và nói: “Em ổn, em không sao, em khỏe rồi”. Sự tự tin, mạnh mẽ của nữ bệnh nhân ấy vừa là động lực, vừa là món quà vô giá đối với y, bác sĩ.
Chúng tôi vô cùng hạnh phúc mỗi khi có bệnh nhân được xuất viện. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng những ngày nằm viện sẽ trở thành nỗi ám ảnh không bao giờ quên với họ. Có bệnh nhân thở máy, khi còn đủ tỉnh táo đã viết ra giấy dòng chữ: “Bao giờ em chết hả bác sĩ?”. Dòng chữ ấy đã tác động mạnh mẽ đến chúng tôi, khiến cho nỗi vất vả dường như vơi bớt trước sinh mệnh đáng quý của người bệnh, giúp chúng tôi có thêm động lực, thêm niềm tin chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Đôi khi ta cứ tưởng rằng, giá trị của cuộc sống hiện tại cấu thành từ những điều thật lớn lao, nhưng thực ra nó được tạo bởi những điều rất nhỏ trong đời thường. Như trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, những điều tưởng chừng bình thường lại trở thành thứ vô cùng quý giá, đó là cảm giác được thở.
Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai:
77 ngày trong tâm dịch là 77 ngày căng thẳng nghẹt thở
Ngày 11-8, tôi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh khi dịch bệnh tại đây đang trong giai đoạn căng thẳng. Bắt tay ngay vào công việc, chúng tôi đã gọi điện cho thân nhân người bệnh, không chỉ làm nhiệm vụ thông báo tình trạng của bệnh nhân mà còn động viên, an ủi họ. Tất cả những bệnh nhân điều trị Covid-19 đều không có người nhà nên chúng tôi cố gắng làm mọi điều có thể. Ngoài ra, chúng tôi kết nối những chuyến xe 0 đồng để đưa bệnh nhân khỏi bệnh trở về nhà. Có rất nhiều việc không thể kể hết.
Khoảng 5 tuần đầu, từ khi bước lên xe đi làm tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đến khi trở về gần như chúng tôi không cười, không nói chuyện với nhau. Bác sĩ trực điều hành khi ấy phải nghe hàng trăm cuộc điện thoại không ngơi nghỉ, không có thời gian để ăn. Chúng tôi vô cùng stress và áp lực. Thời điểm đó, buổi giao ban nào cũng thông báo số ca tử vong là 2 con số. Thậm chí có ngày cao điểm nhất có đến 30 bệnh nhân tử vong. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống mong manh như thế. Có đồng nghiệp của tôi đã phải thốt lên rằng: “Những gì chứng kiến tại đây có lẽ đủ để đau thương cho cả một đời người”. Nhưng sau đó, rất nhanh, chúng tôi cuốn theo công việc vì những bệnh nhân khác, vì biết bao gia đình vẫn đang mòn mỏi đợi tin tốt lành.
Những ngày ICU Bạch Mai (thành phố Hồ Chí Minh) mới thành lập, thiếu thốn trăm bề. Lúc đó, chỉ một cái bút bi, một cốc trà sữa, một bộ quần áo cũng trở nên quý giá. Tôi nhớ lúc mới vào, tôi có đề xuất mua một màn hình ti vi để khi giao ban trực tuyến có thể nhìn thấy nhau, trao đổi công việc cho thuận tiện. Lúc ấy việc đi lại rất khó khăn, điều tưởng như quá đơn giản ấy nhưng lại vô cùng khó trong đại dịch. Và rồi anh Tú - thành viên nhóm thiện nguyện “Những người yêu Sài Gòn” đã tháo luôn chiếc ti vi của gia đình mang đến tặng chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây không phải câu chuyện về giá trị vật chất, mà đó là món quà đáng trân quý. Chúng tôi tâm niệm rằng, cần phải nỗ lực hết sức để đáp lại những tấm chân tình ấy.
Tiến sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức):
Tôi học được nhiều điều xung quanh chữ “Ðồng”
Cuối tháng 7, đầu tháng 8-2021 là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh với số ca mắc rất lớn và số ca tử vong nhiều. Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu đã vào thành phố Hồ Chí Minh để khảo sát, nắm bắt tình hình chuẩn bị thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi đã chọn được Bệnh viện dã chiến số 13 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để thành lập trung tâm. Ngày 5-8, tôi dẫn đoàn 300 nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào thành phố Hồ Chí Minh để bắt tay vào xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại đây. Đó cũng chính là khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân nhập viện đông. Điều kiện làm việc ở bệnh viện dã chiến rất khắc nghiệt, thời tiết nóng nực, hoàn toàn không có máy lạnh; dưới mái tôn thấp, nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ cả ngày, nhiều người đã bị ngất trong quá trình làm việc.
Đại dịch quá khắc nghiệt, nhân viên y tế sau khi đối mặt với thảm kịch ở vùng dịch thì nhiều người bị sốc, nhiều người đã khóc sau khi chứng kiến nỗi đau thương của người bệnh Covid-19. Ngay cả tôi đôi lúc đã cảm thấy bất lực vì có những người bệnh trở nặng rất nhanh, vài hôm trước còn đang chuẩn bị làm thủ tục xuất viện thì sau đó diễn biến nặng, phải thở máy và không qua khỏi, đặc biệt là những người thừa cân, tuổi cao và nhiều bệnh nền.
Trong suốt những ngày ở nơi dịch khốc liệt nhất, chúng tôi học được nhiều điều xung quanh chữ “Đồng”. Thứ nhất là tinh thần “đồng sức - đồng lòng” vượt qua gian khó, sau đến là tinh thần “đồng nghiệp - đồng đội” hỗ trợ nhau trong suốt những ngày cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Và trên hết là tinh thần “đồng bào - đồng chí” thiêng liêng thấm sâu trong tâm trí người nhân viên y tế trước khó khăn của người dân.