Đau đáu nỗi niềm bảo tồn di tích Cổ Loa
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 19/02/2022
Từ câu chuyện bảo tồn...
Đưa chúng tôi đi quanh các vòng thành, Phó Trưởng phụ trách Ban Quản lý di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy đã kể nhiều câu chuyện về tòa thành độc nhất vô nhị của người Việt.
Cổ Loa có bề dày lịch sử 2.300 năm tuổi và là Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây cũng như vùng lân cận hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử có đặc trưng, tính chất và quy mô khác nhau. Năm 1962, Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia, năm 2012, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt bởi có giá trị rất lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Với ý nghĩa ấy, trong suốt thời gian qua, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích này.
“Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương, sau đó chuyển giao qua nhiều đơn vị và đến năm 2014, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa được thành lập (trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội). Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn với tỷ lệ 1/2000. Và ngày 6-8-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là những căn cứ, quy định để di tích Cổ Loa được bảo tồn, gìn giữ…” - ông Hoàng Công Huy cho biết.
Sống trên mảnh đất lịch sử thiêng liêng với chiều sâu văn hóa, người dân xã Cổ Loa rất tự hào và nguyện giữ gìn di sản cho muôn đời sau. Ông Nguyễn Văn Nhiêu, 90 tuổi ở thôn Gà (xã Cổ Loa) chia sẻ: “Với người dân nơi đây, di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tôn vinh quá khứ, đề cao phẩm giá và đạo lý dân tộc mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Di tích góp phần làm cho thế hệ hôm nay hiểu biết nhiều hơn truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, của đất nước; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử cho tương lai”.
Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian, của quá trình đô thị hóa, di tích lại nằm trên phần diện tích đất sử dụng của người dân nên việc giữ gìn, bảo tồn di tích Cổ Loa gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Trưởng phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy, hiện tại, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa chỉ quản lý một số di tích đình, đền, miếu… Trong khi đó, hạt nhân của Loa thành (gồm 3 vòng thành, 3 vòng hào và sông Hoàng Giang) lại do chính quyền xã Cổ Loa quản lý.
Cũng với nhiều trăn trở về công tác bảo tồn di tích, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết: Người dân đã sinh sống trên những vị trí gần thành, sát thành, trên mặt thành từ nhiều đời nay nên việc xây dựng nhà cửa, công trình là điều khó tránh khỏi. Chính quyền xã cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản… Với thực tế công tác quản lý còn nhiều bất cập nên việc bảo tồn di sản đang có nhiều thách thức, rất cần sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng...
… đến việc coi người dân là “trung tâm”
Gìn giữ Khu di tích Cổ Loa cho muôn đời sau là trách nhiệm, nghĩa vụ, là nỗi niềm đau đáu của chính quyền và người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật thông tin: Để bảo tồn, gìn giữ các di sản tại khu di tích này, UBND xã đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa thành lập Đội tuyên truyền kiểm tra vi phạm di tích với sự tham gia của các trưởng thôn (nơi có phần di tích nằm trên địa bàn thôn) và người dân.
Theo Trưởng thôn Gà Nguyễn Kim Cúc, hằng tuần các tổ đi kiểm tra trực tiếp những phần di tích của 3 vòng thành, 3 vòng hào và sông Hoàng Giang. Cùng với việc tuyên truyền, nếu phát hiện vi phạm, các tổ sẽ báo chính quyền địa phương lập biên bản, xử lý theo quy định.
Còn Trưởng thôn Thượng Nguyễn Văn Quyết cho hay: “Hệ thống các di tích là nguồn tài sản vô giá mà tiền nhân để lại, là minh chứng cho bề dày lịch sử, bản sắc văn hóa của địa phương, của Thủ đô và cả nước. Do vậy, không thể chỉ trông chờ vào một nguồn duy nhất là ngân sách nhà nước để bảo tồn, tu bổ mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đóng góp cả về vật chất và tinh thần. Một điều cần đặc biệt lưu tâm, người dân cần được coi là chủ thể trung tâm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản…
Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng các đề án xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch. Các di tích quốc gia đặc biệt có lợi thế, có thể áp dụng phương pháp “bảo tồn động”, tức là cho di tích “sống” cùng đời sống xã hội, đặc biệt là gắn với hoạt động du lịch. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử là trách nhiệm chung của những người đang sinh sống tại địa phương.
Đồng quan điểm với đề xuất này, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật mong muốn, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội sớm triển khai các quy hoạch, kế hoạch để tạo động lực mới trong công tác bảo tồn di tích Cổ Loa. Đồng thời, địa phương mong muốn các cơ quan chức năng của trung ương và thành phố hướng dẫn chính quyền, người dân phát triển du lịch văn hóa; có giải pháp nâng cao năng lực quản lý di tích; tái hiện, kết nối các câu chuyện lịch sử nhằm thu hút khách tham quan. Qua đó tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại tới giá trị di tích.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật, khi chưa có dịch Covid-19, Khu di tích Cổ Loa thường đón du khách đến tham quan, chiêm bái vào những ngày đầu và cuối năm, chưa phát triển thành khu vực di sản để thường xuyên thu hút du khách quanh năm. Để việc bảo vệ di sản hài hòa với nhu cầu phát triển cũng như bảo đảm điều kiện sống của dân cư trong khu vực di tích, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ di tích, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương.