Tạo động lực phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 19/02/2022
Thực tế những năm qua cho thấy, kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới cả về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, đồng thời khẳng định những tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, mô hình hợp tác xã là điểm tựa vững chắc cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Hợp tác xã còn là tổ chức đại diện cho nhiều nông dân, liên kết với doanh nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông thôn…
Tại Hà Nội hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Tính đến ngày 31-12-2021, toàn thành phố có trên 2.200 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 143% số hợp tác xã so với thời điểm ngày 31-12-2008 với 602.000 thành viên tham gia.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố, tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, khu vực kinh tế tập thể của cả nước vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Dẫn số liệu 20 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng so sánh, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế tập thể đóng góp của cải vào Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước giảm liên tục từ 8% năm 2001 xuống còn 3,6% năm 2020. Như vậy, kết quả phát triển của khu vực kinh tế tập thể so với mục tiêu mà Nghị quyết số 13-NQ/TƯ đề ra là “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế” đã không đạt…
Để tạo động lực phát triển thành phần kinh tế này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể. Bởi thực tế chứng minh, lãnh đạo nào quan tâm thì địa phương đó có nhiều hợp tác xã hoạt động chất lượng. Song song với đó, các cấp, các ngành cần hỗ trợ hợp tác xã bằng nguồn lực đã có gắn với chiến lược nông thôn bền vững...
Còn Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển thì cần hoàn thiện thể chế, cơ cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, miền núi. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh cải thiện, nâng cao đội ngũ nhân sự quản trị hợp tác xã phát triển theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, các hợp tác xã cần phát huy lợi thế quy mô thành viên, nơi nào thu hút đông thành viên thì nơi đó kinh tế - xã hội phát triển.
Đối với thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, trước hết cần có chủ trương, chính sách mới để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, cần đánh giá thực chất hiện trạng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để phân loại và giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác xã, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực mà xã hội đang cần.