Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi: Người đóng vai Bác Hồ thành công nhất

Văn hóa - Ngày đăng : 05:15, 20/02/2022

(HNMCT) - Hai bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và "Hà Nội mùa đông năm 1946", 5 vở kịch sân khấu cùng khoảng 40 vở kịch truyền hình là những đóng góp giúp NSƯT Tiến Hợi trở thành nghệ sĩ ghi dấu ấn sâu đậm với hình tượng Bác Hồ trong lòng khán giả, ngay cả khi anh đã đi xa vào ngày 10-2-2022, ở tuổi 63.

Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi được hóa trang vào vai Bác Hồ.

1. Tôi được gặp NSƯT Tiến Hợi vào tháng 5-2015, nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đoàn nghệ sĩ điện ảnh gồm các diễn viên từng đóng vai Bác Hồ, trong đó có NSƯT Tiến Hợi, có chuyến đi Nghệ An thăm Làng Sen quê Bác và giao lưu với khán giả thành phố Vinh. Tại đây, nhiều người dân bày tỏ vui mừng khi nhận ra NSƯT Tiến Hợi. Chứng kiến những giây phút đó, tôi thực sự ngưỡng mộ người nghệ sĩ dành cả sự nghiệp để đóng vai Bác. Cũng trong lần gặp gỡ này, tôi được biết thêm câu chuyện về lần đầu tiên thể hiện hình tượng Bác Hồ của NSƯT Tiến Hợi.

Nghệ sĩ Tiến Hợi vào nghề năm 1979. Giai đoạn này, những vai diễn của anh đều là học sinh nghịch ngợm, đôi khi là thanh niên cá tính, thậm chí anh còn thử sức cả dạng vai hài lẫn phản diện. Lối rẽ giúp Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ đánh dấu tuổi 29 của anh, trong vở kịch “Đêm trắng” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Tiến Hợi kể, lúc đó “Đêm trắng” đang loay hoay tìm diễn viên đóng vai Bác. Những cái tên quen thuộc như nghệ sĩ Hà Văn Trọng, Mạnh Linh cũng đã được nhắc đến, nhưng vì nhiều lý do mà vai diễn này vẫn để trống. Phương án tiếp theo được đưa ra là chọn một hai người trong đoàn. Trong số các ứng viên thì Tiến Hợi dáng dong dỏng, lại quê gốc Nghệ An có vẻ phù hợp hơn cả. Khi anh em diễn viên được tiến cử lên gặp đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nhìn ngắm một hồi, ông quyết định chọn Tiến Hợi cùng một đồng nghiệp nữa trong đoàn tới nhà NSƯT Nhữ Đình Nguyên - chuyên gia hóa trang vai Bác Hồ trên sân khấu, điện ảnh - để thử. Khi hai người được hóa trang và chụp ảnh xong, đem về đối chiếu, ai cũng đều ngỡ ngàng. Nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên nhận xét: “Tiến Hợi giống Bác nên khâu hóa trang rất nhanh. Ngoài ngoại hình với hốc mắt sâu, mũi cao thì từ ánh mắt, thần thái đều gợi nên hình ảnh Bác”.

Với kết luận này thì 99% là Tiến Hợi được chọn. Nhưng vừa nghe thấy vậy, Tiến Hợi đã sợ toát mồ hôi. Một ý nghĩ ập đến rất nhanh trong đầu anh, lấn lướt nỗi hân hoan được chọn: "Vào vai Bác thế nào đây?". Những ngày tiếp theo, như Tiến Hợi kể: “Tay cầm kịch bản, mất ăn mất ngủ nhiều đêm” để bắt đầu hành trình hóa thân thành Bác. Ngoài nghiên cứu tư liệu, anh còn yêu cầu đoàn tạo điều kiện cho xem phim tài liệu, cho giấy giới thiệu để tự đi tìm băng nói chuyện của Bác để nghe. Anh cũng tới gặp đồng chí Vũ Kỳ để nghe kể chuyện về Bác, từ thói quen, tính cách cho đến suy nghĩ của mọi người về Bác.

Suốt hai tháng trời, công việc của Tiến Hợi chỉ là sáng tập trên sân khấu, chiều xem tư liệu, tối nghe băng và hồi hộp chờ ngày diễn. Tiến Hợi kể, buổi diễn duyệt đầu tiên có nhiều lãnh đạo cao cấp tới xem, anh run lắm. Nhưng nỗi lo lắng xen lẫn hồi hộp chỉ đến trong chốc lát, khi mạch kịch ngấm vào, lại thêm sự ủng hộ của khán giả, Tiến Hợi đã nhiều lần có những khoảnh khắc xuất thần. Có cảnh anh diễn Bác Hồ trong thời tiết rét buốt nói chuyện với bộ đội, tự nhiên thấy khán giả cứ khóc rấm rứt, còn anh đứng trên sân khấu thì không hiểu làm sao. Đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những khán giả đến xem buổi diễn duyệt, được con gái dìu lên sân khấu, vừa khóc vừa nói: "Cảm ơn, cảm ơn nhiều!", còn bác Vũ Kỳ thì khen "sao hóa trang giống thế, sao anh trẻ thế này mà diễn hay thế" thì anh mới hiểu mình đã có được thành công. Tiến Hợi bảo, anh vẫn nhớ nhất câu nói của bác Vũ Kỳ: “Cậu rất giống Bác. Tôi xem cậu diễn mà tưởng như đang gặp Bác. Cảm ơn, cố gắng phát huy nhé!”. Câu nói đó luôn khiến anh tự tin mỗi lần nhận vai Bác sau này.

2. Sau đêm tổng duyệt đó, từ năm 1987 - 1988, "Đêm trắng" công diễn tại tất cả các tỉnh phía Bắc với 300 đêm diễn. Vở kịch không chỉ khiến khán giả xúc động mà còn đem đến cho Tiến Hợi những kỷ niệm không quên. Một lần khi anh đang diễn, bất thình lình ở hàng ghế khán giả có cụ già đứng dậy hô to: “Thưa Bác, con có chuyện cần báo cáo với Bác” và một mực không chịu ngồi xuống. Cả đoàn phải tạm dừng để mời cụ già ra cánh gà. Sau khi vở diễn kết thúc, Tiến Hợi vào gặp riêng cụ già và hiểu rõ sự việc là do cụ cứ nghĩ Bác Hồ đang còn sống nên cụ báo cáo một câu chuyện về... một tên Việt gian. Tiến Hợi phải giải thích rất lâu để cụ hiểu anh đang đóng kịch thôi chứ không phải là Bác Hồ, một lâu sau cụ già mới hồi tâm lại và khen Tiến Hợi giống Bác quá, khiến cho cụ nhớ lại lúc đã từng được gặp Bác trước kia.  

Từ năm 1988, Tiến Hợi thuộc biên chế đoàn 2, Nhà hát Kịch Hà Nội và tiếp tục nối dài danh sách vai diễn Bác Hồ ở các độ tuổi khác nhau gắn với từng giai đoạn lịch sử. Đầu thập niên 1990, đạo diễn Long Vân khi thực hiện bộ phim truyện điện ảnh “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đã quyết định mời Tiến Hợi, lúc này vốn đã “đóng đinh” với hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, đảm nhận vai Nguyễn Tất Thành. "Hẹn gặp lại Sài Gòn" lấy bối cảnh thời gian từ 1895 đến 1909, khi Nguyễn Tất Thành đang cùng gia đình sống và học tập tại Huế, sau đó vào Phan Thiết dạy học và lên Sài Gòn rồi tìm đường ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Với kinh nghiệm dạn dày từ sân khấu, hình dáng hao hao, mắt sáng và cái nhìn kiên định, độ tuổi so với nhân vật cũng không quá chênh lệch, Tiến Hợi đã xuất sắc tái hiện chân dung người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong phim.

Năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46" cũng đã mời nghệ sĩ Tiến Hợi đảm nhận vai Hồ Chủ tịch, và một lần nữa anh đã khắc họa thành công chân dung vị Cha già dân tộc.

3. Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ trong các vở kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình, cùng hàng trăm vai diễn về Bác Hồ trong những sự kiện, chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm có trích đoạn về hình tượng Bác Hồ. Được biết, sau khi thành công với vai Bác Hồ, Tiến Hợi không đóng một vai phản diện nào nữa, nguyên nhân đầu tiên như anh nói vui rằng “không có đạo diễn nào dám mời”, nhưng chủ yếu là bản thân anh muốn giữ hình ảnh Bác trong nghiệp diễn của mình.

Có một điều vô cùng thú vị là nghệ sĩ Tiến Hợi ngoài đời là người cực kỳ hóm hỉnh, sâu sắc. Chuyến đi 3 ngày cùng đoàn điện ảnh về giao lưu tại tỉnh Nghệ An có vô số câu chuyện, tình huống vui hết nấc cùng NSƯT Tiến Hợi khiến chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ người nghệ sĩ tài năng, và thêm hiểu vì sao Tiến Hợi đã thành công trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ đến vậy!

NSƯT Tiến Hợi, tên thật Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1959, người gốc Nghệ An. Trước khi nghỉ hưu, anh công tác tại đoàn 2, Nhà hát kịch Hà Nội.

Trong 30 năm theo nghiệp diễn, nghệ sĩ Tiến Hợi đã có hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ trong các vở kịch, phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình. Tiêu biểu là: Kịch nói “Đêm trắng”, phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, phim truyện “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Hoa ban trắng”, “Hoa ban đỏ”... Tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992, NSƯT Tiến Hợi được nhận Huy chương Vàng với vai diễn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch “Xin lĩnh án tử hình”.

Lưu Thảo