Những ngày ''chiến đấu'' với Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 05:34, 20/02/2022

(HNNN) - Từ khi xuất hiện đến nay, dịch Covid-19 đã làm xáo động thế giới và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trực tiếp hứng chịu các đợt tấn công trực diện của loại dịch bệnh nguy hiểm này, tôi càng hiểu rõ những mất mát mà nó đem lại nhưng cũng thêm ấm lòng với tình cảm, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của các y, bác sĩ trong guồng quay công việc hối hả.

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Khánh Minh

Dịch ập đến bất ngờ

Ngày 29-12-2021, mẹ tôi đi khám định kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai. Sau khi được test nhanh, bà có kết quả dương tính và được giữ lại để chờ xét nghiệm PCR. Khi bệnh viện gọi điện thông báo tình hình, tôi thấy lo lắng bởi bố tôi đã ốm cách đó mấy ngày, ông ho kiểu cảm lạnh, uống thuốc nhưng không đỡ, không muốn ăn uống. Nghe tình hình, mấy chị em khi đó rất lúng túng, chưa biết phải xử trí ra sao với các thành viên còn lại của gia đình, trong đó có hai cháu bé mới hơn 4 tuổi.

Ngay lập tức tôi và cậu em rể quyết định gọi xe cấp cứu 115 đưa bố tôi đi viện. Bệnh viện quá tải, xe cấp cứu cũng quá tải, nên phải sau rất nhiều cuộc điện thoại mới có xe đến đón. Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô khám sàng lọc, cả bố tôi và em rể tôi đều có kết quả test nhanh âm tính. Nhưng 3 giờ sau, chúng tôi bắt đầu lo lắng khi em rể thông báo bố có kết luận dương tính sau khi làm xét nghiệm phân tử. Lập tức ông được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh).

Trong lúc đó, tôi lo chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết cho mẹ tôi vẫn đang ở Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai chờ chuyển viện, sau khi bà đã có kết quả PCR dương tính. Lúc 10h sáng 30-12, tôi đưa 2 con và cô giúp việc tới Trung tâm Y tế phường làm xét nghiệm. Cả ngày hôm đó tôi rất mệt mỏi, lo lắng. Sau vài lần điện thoại, mãi đến chiều muộn, tôi mới hỏi được kết quả: Ngoài cô giúp việc, 3 mẹ con không có trong danh sách những người dương tính. Thở phào nhẹ nhõm nhưng hình như có cái gì vẫn chưa đúng vì tôi thấy rất khó thở, lên cầu thang hay làm việc nặng là tôi thở dốc, người rất mệt. Trước đó mấy ngày tôi có bị ho, không sốt nhưng có 2 ngày người tôi đau mỏi rã rời, đêm thấy ớn lạnh và bị rối loạn tiêu hóa. Lo cho mình một thì lo cho các con mười.

Ngày 31-12 trôi qua thật nặng nề. Cô giúp việc vẫn chưa được Y tế phường đón đi nên đang cách ly ở tầng hai. Ba mẹ con xoay xở với nhau trong tình trạng tôi ngày càng thấy mệt, khó thở, chỉ thở được nửa hơi, tức ngực, lúc thở sâu thì cảm thấy buốt vào tận trong phổi, cảm giác khó thở tăng lên khi đeo khẩu trang. Tôi gọi điện cho cán bộ Y tế phường yêu cầu cho test lại. 10h sáng ngày 1-1-2022, hai cán bộ Y tế phường mặc bộ đồ bảo hộ vào kiểm tra sức khỏe cho tôi và kết quả: Dương tính! Tôi vội gọi cho chồng để anh thu xếp trông con, vì thời gian đó anh đang ở bên nhà nội chăm bà. 2h30 chiều, Y tế phường báo có xe đến đón. 10 phút sau, tôi xách va ly, đeo túi laptop chạy vội ra khỏi nhà, nghe tiếng hai con khóc mà không dám quay đầu lại.

Ấm áp tình người

Yên vị trên xe cấp cứu 115 mới thấy mệt rã rời, chợt nhớ từ sáng mới có bát mỳ tôm úp vội. Lúc xe chạy qua cầu Nhật Tân, tôi thầm nghĩ chắc vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nhưng không, xe vẫn chạy tiếp, một lúc lâu mới thấy dừng ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Đã hơn 5h chiều, trời mưa và lạnh. Ngồi ghế đá ngoài sân chờ nhập viện, các nhân viên xịt khử khuẩn khá lâu. Đói và mệt. 6h chiều mới được xếp vào buồng. Chưa kịp định thần, nửa tiếng sau lại phải chuyển phòng. Trời càng tối càng lạnh, suất cơm hộp đến tay cũng đã nguội ngơ nguội ngắt. Tôi tự nhủ, phải cố thôi, cố gắng để sớm ra khỏi đây.

Đêm đầu tiên trong viện, ho nhiều và sâu, sau mỗi cơn ho dài tôi thấy hơi thở gấp, cảm giác thốn đến tận đáy phổi. Vẫn không sốt nhưng cả đêm người run lên bần bật tuy đã đắp chăn ấm. Ho nhiều không ngủ được, mãi đến 2h sáng mới thiếp đi vì quá mệt. 5h45 sáng, tỉnh dậy tôi thấy đỡ hơn một chút, bèn vào khu vệ sinh chung, chuẩn bị đánh răng rửa mặt thì thấy hơi chóng mặt, rồi tự nhiên mọi thứ tối sầm lại và tôi không biết gì nữa. Khi mở mắt ra, tôi thấy mình đang ngồi dựa tường trong khu vệ sinh nữ, trên nền nhà và tường dính máu, rồi lại ngất đi. Tỉnh dậy lần thứ hai, cũng không biết là sau bao lâu, tôi thấy mình đã nằm trong phòng, xung quanh có hai nhân viên y tế. Họ nói tôi bị ngất và ngã ngửa do thiếu oxy lên não. Vết thương sau đầu khá dài và sâu, phải khâu 5 mũi. Trong lúc tiêm thuốc tê, họ nói vui: “Ai mà hình dung được chị vào đây điều trị Covid mà lại phải khâu đầu!”.

Theo kết quả chụp X-quang hôm đó, tôi bị tổn thương 2 đáy phổi tỷ lệ 20 - 30%. Trong 5 ngày sau đó, tôi phải thở oxy, truyền thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút tích cực. 10h sáng ngày 6-1-2022, bác sĩ Lê Hồng Dân, người điều trị trực tiếp cho bố tôi gọi điện nói cho phép tôi chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để vừa điều trị tiếp vừa chăm sóc cho ông. Mừng rơi nước mắt! Không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện được vào chăm sóc cho người thân là F0 bệnh nặng. Đến bệnh viện, chờ 30 phút thì được đón lên buồng bệnh của bố. Tôi không nhận ra ông, quay ra vì tưởng nhầm phòng, mới có một tuần mà trông ông khác quá. Trong buồng bệnh 739 của khoa Nội tổng hợp, ngoài bố tôi là nặng nhất còn một cụ ông nữa tên Tường cùng vào viện với tôi tối hôm đó. Ông kêu cả đêm và luôn miệng đòi y tá. Ông phải đóng bỉm nhưng thường xuyên giật bỉm ra, thế là chăn, ga gối rồi cả từ đầu đến chân ông đều bẩn. Các điều dưỡng một ngày cho ông ăn 3 bữa, thay bỉm cho ông 3 lần sạch sẽ nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, đến nỗi một cô điều dưỡng phải kêu lên: “Ông mà cứ như thế này thì con bỏ việc mất thôi!”.

Từ khi vào viện điều trị, kể cả ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cũng như ở đây, tôi chứng kiến nhiều người, nhất là người già ngoài nhiễm Covid còn mắc rất nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, viêm khớp, gout, Parkinson, Alzheimer, thần kinh... Khi vào viện, chỉ có những bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình là có thể tự chăm sóc, còn các cụ phần lớn phụ thuộc vào sự chăm sóc của các y tá, điều dưỡng. Số bệnh nhân cần được chăm sóc rất đông, vì thế một ngày họ chỉ có thể ghé qua buồng bệnh 2 - 3 lần. Ngoài việc tiêm, truyền, cho uống thuốc, các điều dưỡng viên còn phải bón hoặc bơm thức ăn, thay rửa vệ sinh... Họ phải làm việc hơn 10 - 12 tiếng/ngày, liên tục 7 - 10 ngày trong viện mới được thay ca rồi lại tiếp tục vòng quay đó. Các anh chị ăn muộn hơn chúng tôi, ngủ muộn hơn chúng tôi, làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Suốt thời gian nằm viện, tôi không biết mặt họ, chỉ có thể nhận ra một hai người qua giọng nói. Do đông bệnh nhân, phải nằm điều trị chung nên không ít người bị khủng hoảng tâm lý. Áp lực với các y, bác sĩ càng lớn.

Hơn 5 ngày chăm sóc bố là 5 ngày cuối cùng tôi được ở gần ông, chăm sóc ông. Khi ông được chuyển sang phòng cấp cứu, một nhân viên y tế động viên tôi vì hiếm bệnh nhân nào đã chuyển tới đó mà khỏi bệnh, tôi khóc òa nhưng vẫn hy vọng. Hết 14 ngày điều trị, mẹ tôi và cô giúp việc đều được xuất viện, nhưng mọi người chỉ nói sơ qua tình hình của ông là bệnh nặng. Thế rồi, tin không vui cũng đến! Sau 17 ngày chống chọi với căn bệnh cúm nguy hiểm, ông đã ra đi không một lời dặn dò.

Hai ngày sau, tôi xuất viện. Gia đình tôi 4 người đi điều trị Covid-19 ở 4 nơi, giờ chỉ còn 3 người trở về. Qua đại nạn, tôi biết mình không cô đơn, tôi có rất nhiều bạn bè, người thân, các y, bác sĩ... bằng nhiều cách đã giúp tôi và gia đình rất nhiều.

Ngày 25 tháng Chạp, tôi qua chợ hoa Quảng An, chọn một cành đào đá to đẹp để bày ở góc nhà như mọi năm. Những mùa xuân trước, bố vẫn giúp cắm đào vì cành đào rừng thường rất to và nặng. Có cành đào Tết, chắc hẳn ông sẽ vui vì rất thích hoa đào. Nhìn tấm ảnh ông mỉm cười bên những cánh đào phai tươi tắn, tôi biết, dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa thì mùa xuân cũng đã về!

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Nguyệt Thơ