Phát huy tối đa lợi ích của kênh phân phối trực tuyến

Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 20/02/2022

(HNM) - Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, các hoạt động giảm giá và kích cầu của các sàn thương mại điện tử đã giảm tải cho kênh mua sắm truyền thống. Đặc biệt, vai trò của thương mại điện tử còn phát huy tối đa lợi ích trong việc kết nối các doanh nghiệp, thương hiệu Việt với khách hàng tiềm năng và đẩy mạnh doanh thu trong dịp mua sắm cuối năm.

Sàn thương mại điện tử Sendo đã kết nối 2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi, an toàn. Ảnh: Trần Huấn

Dịp Tết Nhâm Dần năm nay, sàn thương mại điện tử Sendo đã kết nối 2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam lên sàn phục vụ người dân. Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cho biết, càng gần Tết, sức tiêu thụ các mặt hàng như nông sản, trái cây, hoa tươi trên sàn Sendo càng tăng cao. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi, an toàn mà còn đẩy nhanh tiêu thụ cho nhà nông.

Đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart cũng đã nhanh chóng mở các gian hàng Tết với sản phẩm đa dạng, chất lượng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Tại các gian hàng của Voso, các sản phẩm đều được sản xuất trong nước hay đến từ các làng nghề truyền thống Việt Nam như: Gốm sứ, mật ong, bột nghệ, tinh dầu bưởi... Gian hàng "Phiên chợ Tết" có đầy đủ sản phẩm thiết yếu từ thực phẩm sạch, nguyên liệu nấu ăn, trái cây 3 miền đến các đặc sản vùng miền nổi tiếng của Sơn La, Cao Bằng, Mộc Châu..., được nhiều khách hàng đặt mua.

Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Lazada thực hiện các chiến dịch khuyến mại “Yêu Việt Nam dùng hàng Việt Nam” với các mã khuyến mại giảm giá lên đến 100.000 đồng, nhờ đó doanh số đạt mức kỳ vọng.

Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống và giải trí xuyên suốt dịp Tết của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử đã mở phục vụ xuyên Tết. Điển hình như Tiki với dịch vụ “Tiki giao hàng xuyên Tết” áp dụng tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Hay chương trình “Shopee Tết sale - Giao hàng xuyên Tết” mang đến các ưu đãi về vận chuyển và giá…

Những ngày cận Tết Nguyên đán, các sàn thương mại điện tử lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40% đến 100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Shopee ghi nhận số lượng người mua và lượng đơn hàng tăng gần 100% trong dịp cao điểm.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận, dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn. Cùng quan điểm, các chuyên gia dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng - chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử, doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, đặc biệt với các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage như hiện nay.

Với vai trò đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng chương trình gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. “Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng”, ông Đặng Hoàng Hải nói.

Liên quan tới các chính sách phát triển thương mại điện tử, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, các chính sách cần mang tính khuyến khích thương mại điện tử phát triển, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp, kỳ vọng thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong giao dịch, mua bán.

Thanh Hiền