Động lực phát triển mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 21/02/2022

(HNM) - Họp với các bộ, ngành, địa phương về tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khởi công trong giai đoạn 2021-2025 diễn ra đầu năm Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, phát triển đường bộ cao tốc sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua.

Thực tế cho thấy, với vai trò quan trọng, hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, đường bộ và đường bộ cao tốc nói riêng được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế. Hạ tầng giao thông tốt sẽ giúp kết nối nhanh chóng giữa các địa phương, vùng, miền, tạo điều kiện thuận tiện cho giao thương hàng hóa, dịch vụ. Hạ tầng giao thông phát triển cũng là cơ hội để các địa phương thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khơi thông các nguồn lực xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực tế, những tuyến đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng… sau khi hoàn thành đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển của các địa phương tuyến cao tốc đi qua. Trên thế giới, hầu hết các nước phát triển đều có hệ thống đường bộ cao tốc hiện đại và rộng khắp.

Mặt khác, việc bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và kích thích nhiều nguồn vốn khác, từ đó kích cầu, phục hồi, phát triển các ngành sản xuất liên quan, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) sẽ thêm 0,058%; giải ngân vốn đầu tư công 1 đồng sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong nhiều năm thì đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc chính là động lực phát triển mới cho các địa phương, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của quốc gia. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển đường bộ cao tốc, vốn vẫn bị coi là “điểm nghẽn” khiến nhiều ngành, địa phương chưa thể "cất cánh" trong thời gian qua.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Hiện tại, cả nước mới có 1.163km và đang triển khai xây dựng 916km đường bộ cao tốc. Xác định đây là thời cơ cho nền kinh tế cũng như các địa phương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để phát triển đường bộ cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Quốc hội đã có nghị quyết dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Được biết, hiện Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì 3 dự án quan trọng tầm quốc gia là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột. Hai địa phương là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ trì dự án đường cao tốc: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang được các đơn vị liên quan gấp rút triển khai thủ tục đầu tư. Dự kiến, các dự án khởi công đồng loạt trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2024-2025.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Có thể khẳng định, phát triển đường bộ cao tốc sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội. Từ ý nghĩa quan trọng đó đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực rất lớn, phải thay đổi tư duy, xóa bỏ trì trệ, tạo ra đột phá, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và chế tài rõ ràng, quyết liệt, đổi mới để "chạy đua với thời gian". Bởi thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai dự án đường bộ cao tốc sẽ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua, từ thủ tục, cơ chế huy động nguồn lực - bao gồm cả vốn đầu tư công và vốn xã hội, đến giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu, xử lý vấn đề kỹ thuật… Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các dự án sẽ được thực hiện nhanh, bảo đảm đúng kế hoạch tiến độ, đồng thời bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

Gia Khánh