Tranh chấp lao động trong và sau Tết năm 2022 giảm

Đời sống - Ngày đăng : 17:25, 21/02/2022

(HNMO) - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động công nhân, công đoàn nổi bật thời gian qua, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 21-2, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, tình hình tranh chấp lao động trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết Nhâm Dần năm 2022 giảm so với Tết Tân Sửu năm 2021.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động tặng quà người lao động khó khăn tại Hà Nội.

Cụ thể, tại 11 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021. Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với doanh nghiệp trong việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ và việc trả tiền thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021, điều kiện trả thưởng…

Điển hình là cuộc ngừng việc tập thể xảy ra trước Tết tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (Đài Loan, gia công giày cho hãng Nike), có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Cuộc ngừng việc này kéo dài 4 ngày, với sự tham gia của 16.158 lao động với lý do không đồng ý việc công ty ra thông báo giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.

Cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Viet Glory (Đài Loan, sản xuất giày dép) trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 5.000/5.000 người lao động tham gia yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19; đề nghị trả lương tháng thứ 13 công bằng; thay đổi thái độ không đúng mực của một số quản lý người nước ngoài với người lao động...

Trước tình hình trên, tổ chức Công đoàn đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết. Kết quả, toàn bộ người lao động tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty TNHH Viet Glory đã trở lại làm việc.

Về tình hình nợ lương, theo báo cáo của các địa phương, đến cuối tháng 1-2022, có 19 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành phố còn nợ hơn 44,5 tỷ đồng tiền lương của 1.992 người lao động, bình quân nợ 22,3 triệu đồng/người (giảm 30 tỷ đồng và khoảng 3.000 người lao động so với năm 2021). Tuy nhiên, mức nợ lương bình quân cao hơn so với năm 2021 (bình quân là 15,7 triệu đồng/người).

Các cấp Công đoàn đã dành nguồn lực để thăm, động viên, tặng quà cho người lao động tại các doanh nghiệp bị nợ lương và đôn đốc việc thanh toán. Cập nhật sau Tết Nguyên đán (ngày 9-2-2022), có 6 doanh nghiệp thanh toán một phần/toàn bộ tiền nợ lương là 4,965 tỷ đồng của 658 người lao động. Hiện còn 13 doanh nghiệp nợ 39,544 tỷ đồng tiền lương.

Hà Phong