Đầu năm nông sản, thực phẩm được giá
Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 21/02/2022
Nông sản được giá, nông dân phấn khởi
Ông Nguyễn Khắc Đạo - Trưởng nhóm khu sản xuất rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) phấn khởi cho biết, các hộ dân trên địa bàn xã đã vào vụ sản xuất mới, cung ứng ra thị trường 800kg rau các loại/ngày theo hợp đồng của các công ty liên kết. Nhà hàng, ăn uống, dịch vụ đã mở cửa trở lại, nhu cầu rau xanh của thị trường tăng cao, giá rau tăng cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Các loại rau được bán buôn với giá 15.000 đồng/kg, nông dân có lãi, hào hứng bước vào vụ sản xuất rau xuân hè.
Còn theo ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội), trang trại đang nuôi 1.500 con gà, hiện nay, gia cầm có giá hơn 110.000 đồng/kg. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng gia cầm được giá nên các trang trại có động lực để tái đàn vật nuôi đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.
Không chỉ các mặt hàng rau xanh, thịt gia cầm, giá các loại thủy sản cũng tăng cao. Theo ông Bùi Văn Điệp ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội), gia đình vừa thu hoạch cá chép, trắm, bán buôn với giá 60.000 đồng/kg, còn tôm đồng bán với giá 150.000 đồng/kg..., cao hơn 10% so với thời điểm này năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hà - tiểu thương kinh doanh tại chợ Xanh, phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá các loại hải sản cũng tăng. Hiện nay, tôm sú loại 30 con/kg có giá hơn 450.000 đồng/kg, loại 20 con/kg có giá 550.000-600.000 đồng/kg, tăng 10-15% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Về nguyên nhân giá nông sản, thực phẩm tăng giá, các hộ nông dân và tiểu thương lý giải, hiện nay, thời tiết ở khu vực miền Bắc lạnh sâu, rau tăng trưởng chậm, thậm chí một số loại rau đứt lứa. Người trồng rau dồn bán hết vào cao điểm Tết Nguyên đán nên thời điểm hiện tại thiếu hụt nguồn cung. Với các mặt hàng thủy, hải sản, không chỉ giảm nguồn cung do biển động, đầu xuân ngư dân đánh bắt cá chưa nhiều nên sản lượng cung ứng thấp, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này sau Tết Nguyên đán tăng cao, đẩy giá tăng mạnh.
Sản xuất theo tín hiệu thị trường
Hiện nay, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm đều tăng cao, nông dân có lãi, nhưng theo thông tin từ ngành Nông nghiệp, từ đầu năm, giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tăng cao như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng 300-500 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021; giá các loại phân bón cũng tăng cao so với thời điểm trong năm. Cùng với đó, thời tiết diễn biến khó lường, mưa, rét kéo dài, phát sinh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Để sản xuất nông nghiệp ổn định ngay từ các tháng đầu năm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng khuyến cáo nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu, rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Đồng thời, Thạch Thất đã xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo quy định; chủ động nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng phương án chống hạn vụ đông xuân năm 2021-2022. Mặt khác, huyện khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, liên danh, liên kết, xúc tiến thương mại bảo đảm “đầu ra” thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nông dân trên địa bàn Hà Nội đang tập trung gieo trồng cây vụ xuân và tái đàn chăn nuôi. Để bảo đảm ổn định sản xuất, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ với các cây trồng chủ lực; đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tăng thêm các cửa hàng, điểm bán và hình thành các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại khu dân cư.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với thực tiễn và phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh... để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo, phải làm bằng được việc ghi nhận, tích hợp đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên và chuyển tải kịp thời từ “đầu cung” đến cơ quan chuyên ngành, rồi từ cơ quan chuyên ngành đến “đầu cầu” để nông dân, hợp tác xã sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Việc kết hợp sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ thúc đẩy việc đổi mới canh tác, không chạy theo số lượng, mà tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới.