Chủ động xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển của địa phương

Chính trị - Ngày đăng : 12:12, 21/02/2022

(HNMO) - Sáng 21-2, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; đại diện các ban, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và HĐND 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai.

Nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ

Trình bày báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đóng góp vào những kết quả kinh tế - xã hội năm 2021 có công sức, trí tuệ của HĐND các cấp, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Trong đó, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt, mang dấu ấn mạnh mẽ, như tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách; chất lượng đại biểu HĐND được chú trọng; hoạt động ngày càng chủ động, thực chất… Công tác giám sát đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tổng kết.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, HĐND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù là năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhưng đã chủ động, trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc tham mưu cấp ủy chuẩn bị được đầy đủ số lượng đại biểu HĐND và nhân sự đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, hoàn thành tốt việc kiện toàn tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương các cấp đúng theo cơ cấu, thành phần và dự kiến của cấp ủy Đảng.

Về nhiệm vụ năm 2022, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của Nhà nước; triển khai có hiệu quả việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của HĐND nhưng cũng đòi hỏi HĐND thành phố Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tham luận tại hội nghị.

Để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, thay mặt Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, cũng như quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND thành phố, HĐND quận, thị xã với UBND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quan tâm, chỉ đạo để bố trí tối đa số lượng đại biểu chuyên trách HĐND quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật.

“Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp hoạt động của HĐND các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố cả về tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

“HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

HĐND cấp tỉnh cần kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

Quang cảnh hội nghị tại Nhà Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố... Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp” và dự thảo “Nghị quyết về hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND” trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

“Đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động giữa các HĐND tỉnh, thành phố và các cơ quan của Quốc hội; tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động của HĐND...

Sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hai hội nghị tiếp theo đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung (dự kiến tại Đà Nẵng vào ngày 7-3) và khu vực miền Nam (dự kiến tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21-3).

Tiến Thành