Hội nghị An ninh Munich năm 2022: Giải ''bài toán khó'' Ukraine

Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 22/02/2022

(HNM) - Trong bối cảnh châu Âu đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 năm 2022, kéo dài 3 ngày (từ ngày 18 đến 20-2), đã bám sát chương trình nghị sự có trọng tâm là chiến lược của phương Tây về vấn đề Ukraine.

Vấn đề Ukraine chiếm phần lớn thời gian thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich năm 2022.

Mặc dù, có quy mô hẹp đi so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, MSC 2022 vẫn chứng kiến sự hiện diện của hơn 30 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cùng hơn 100 bộ trưởng các nước. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger đánh giá MSC lần thứ 58 là sự kiện “quan trọng nhất” trong suốt 14 năm ông dẫn dắt MSC, bởi thế giới chưa bao giờ có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách, nguy hiểm và chồng chéo như hiện nay.

Trong bối cảnh đó, không lạ khi chương trình nghị sự của hội nghị đặt trọng tâm vào chiến lược của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Trong các phát biểu đưa ra, các đại biểu đều nhấn mạnh, đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine là quan điểm cốt lõi, cần được ưu tiên. Tuy nhiên, đại diện Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng nhấn mạnh đã “sẵn sàng” các biện pháp trừng phạt mạnh tay nếu Nga tấn công nước láng giềng.

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh quan điểm duy trì đối thoại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan có biện pháp giảm leo thang, nhấn mạnh phải hết sức thận trọng với những tuyên bố đưa ra trong giai đoạn hiện nay để tránh “đổ dầu vào lửa”.

Không những phủ bóng lên các phiên họp chính, vấn đề Ukraine còn chi phối hoàn toàn các cuộc họp bên lề MSC 2022. Tại cuộc họp khẩn của các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đại diện các nước tham gia nhắc lại cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay. G7 cũng vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình tại biên giới Nga - Ukraine, đồng thời để ngỏ khả năng thực hiện các biện pháp đáp trả mang tính phối hợp nếu Nga tấn công quân sự Ukraine.

Ngoài vấn đề Ukraine, các đại biểu tham dự MSC 2022 cũng dành thời gian trao đổi về tình hình an ninh mong manh ở khu vực Sahel (châu Phi) gồm 9 quốc gia là Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea; nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 với Iran. 

Cả hai vấn đề đã bùng lên trong tuần này, với việc Pháp tuyên bố rút quân khỏi Mali sau gần một thập kỷ, trong khi một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Mỹ và Iran đang hình thành. Song song với đó, chiến lược chống đại dịch Covid-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một số vấn đề ít cấp bách hơn như sự phát triển của đồng tiền điện tử cũng được đem ra thảo luận.

Theo đánh giá của giới quan sát, MSC 2022 diễn ra ở thời điểm rất hợp lý, đã mang lại cơ hội đàm phán đa phương quan trọng cho các bên liên quan tới căng thẳng Ukraine. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc Nga lần đầu tiên vắng mặt đã “cho thấy mối quan hệ Đông - Tây xấu đi như thế nào”, bởi trước đây Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vẫn hiện diện tại MSC ngay cả trong giai đoạn đỉnh cao căng thẳng khi Nga chuẩn bị sáp nhập bán đảo Crimea. Lý giải cho việc Mátxcơva vắng mặt tại MSC năm nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, hội nghị “ngày càng trở nên thiên vị phương Tây, mất đi tính bao trùm, khách quan”.

Nhìn chung, MSC 2022 tuy chưa tạo ra bước ngoặt đáng kể về vấn đề Ukraine, nhưng lãnh đạo các nước tham gia hội nghị sau ba ngày làm việc đã bày tỏ rõ nét tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ đối với quốc gia Đông Âu này, đồng thời thể hiện sự nhất trí cao về việc tìm kiếm lối thoát cho căng thẳng hiện nay thông qua đối thoại - là cách tiếp cận được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Hoàng Linh