Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai
Công nghệ - Ngày đăng : 18:10, 23/02/2022
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng thiên tai vẫn gây ra tổn thất lớn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế. Trong khu vực còn 638 hồ thủy lợi hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa. Nhiều đoạn, tuyến đê sông, đê biển còn nhỏ hẹp chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống các trận lũ lớn, sóng mạnh.
Nhiều nhà ở chưa bảo đảm an toàn trước những trận bão, mưa, lũ lớn. Công tác quản lý, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, lồng bè ở khu vực này còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu trang, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Một số cán bộ, người dân thiếu kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Đồng tình đánh giá trên, lãnh đạo các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông... cho biết đã dành nguồn lực đầu tư nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, nhà ở an toàn cho người dân; ban hành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân...
"Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 425 tỷ đồng xây dựng 6.800 ngôi nhà ở cho người dân khu vực miền núi và tiếp tục bố trí 968 tỷ đồng xây dựng khoảng 7.000 ngôi trong thời gian tới...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu thông tin thêm.
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới, các tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai sớm ban hành hướng dẫn về tiêu chí nhà ở an toàn trước thiên tai, quy hoạch tổng thể về phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung, Tây Nguyên; khôi phục rừng đầu nguồn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; rà soát quy trình vận hành hồ thủy lợi, thủy điện; bố trí nguồn lực cải tạo, nâng cấp xây dựng công trình phòng, chống thiên tai...
Tham luận tại hội nghị, đại diện các bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sát thực tế; chủ động xây dựng và đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân kiên cố nhà ở... Các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi quy trình vận hành hồ thủy lợi, thủy điện, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc thủy văn tại các hồ đập; tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai...
Đánh giá cao những tham luận trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng khu vực miền Trung, Tây Nguyên là vùng chịu ảnh hưởng thiên tai dữ dội nhất trong những năm gần đây. Mặc dù các cấp chính quyền và người dân đã nỗ lực trong công tác phòng, chống nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để giảm tổn thất thiên tai cho khu vực này trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tăng cường cho công tác nâng cao năng lực của người dân, cộng đồng và các cấp chính quyền để chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó là cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; trong đó, ưu tiên đầu tư cảng neo đậu tàu thuyền vào tránh, trú bão, lắp đặt thiết bị định vị trên các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển; lắp đặt hệ thống quan trắc thủy văn tại các hồ thủy lợi, thủy điện; cải tạo, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, các hồ thủy lợi, thủy điện; chú trọng phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Bên cạnh đó, các tỉnh tiếp tục đào tạo nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân. Bộ Giao thông Vận tải cần lồng ghép việc xây dựng các công trình giao thông gắn với công tác phòng, chống lũ, sạt lở đất...