Gắn quy hoạch sản xuất với phát triển đô thị

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 23/02/2022

(HNM) - Hà Nội đã đẩy mạnh việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, chất lượng cao; qua đó thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, bảo đảm cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, quá trình này cần gắn với tiến trình phát triển đô thị để phù hợp hơn với xu hướng phát triển vùng nông nghiệp toàn diện, bền vững...

Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận sản phẩm OCOP.

Tạo nền tảng cho nông nghiệp hàng hóa

Có đồng đất phù hợp với cây lúa, huyện Thanh Oai được quy hoạch là vùng trồng lúa trọng điểm của Hà Nội. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết: Thanh Oai đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích hơn 3.000ha, qua đó tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều địa phương áp dụng cơ giới hóa từ gieo mạ đến thu hoạch (100% diện tích lúa làm đất bằng máy; 99% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn…). Việc thực hiện quy hoạch của ngành Nông nghiệp không chỉ tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Còn tại huyện Thạch Thất, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, từ khi xã Hương Ngải được quy hoạch là vùng sản xuất rau an toàn, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác xã đã nâng diện tích sản xuất lên 55ha, thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm; mỗi ngày bán ra thị trường 500-700kg rau, củ, quả…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cũng thông tin: Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung... Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cho thu nhập cao gấp 5-7 lần so với sản xuất lúa theo phương thức truyền thống...

Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung 40.000ha, vùng sản xuất chè tập trung 387ha, các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung 4.300ha; phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: “Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, thành phố đã hình thành được 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…, bước đầu đem lại hiệu quả rất đáng ghi nhận…”.

Bám sát tiến trình phát triển đô thị

Việc quy hoạch và triển khai vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và nông nghiệp, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để quy hoạch vùng sản xuất, vừa phát huy được thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương, vừa bám sát tiến trình phát triển đô thị.

Tiến sĩ Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Nông nghiệp đô thị Hà Nội không những có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp ven đô của cả nước. Hà Nội cần tổ chức lại nông nghiệp đô thị theo hướng ổn định, hướng đến quy hoạch đô thị bền vững trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, với lộ trình phát triển thành một quận của thành phố, diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày một thu hẹp, để bảo đảm an sinh xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, huyện sẽ tập trung quy hoạch sản xuất ở các xã có thế mạnh về nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để tăng năng suất.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ thúc đẩy quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện nay. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; từng bước nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực (lúa, cây ăn quả, chè, rau đậu các loại); đồng thời, khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để phát triển theo hướng trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đối với thủy sản, Hà Nội phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai… Còn với chăn nuôi, Hà Nội sẽ cơ cấu lại để phù hợp với điều kiện phát triển, tập trung cung ứng nguồn giống, xây dựng trang trại quy mô lớn. Mặt khác, Hà Nội sẽ hỗ trợ hạ tầng cho các khu sản xuất tập trung.

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với tiến trình phát triển đô thị là việc không thể làm trong ngày một ngày hai, song ngành Nông nghiệp và các địa phương cần sớm tìm giải pháp để triển khai hiệu quả, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa nâng chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Đỗ Minh