Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm
Đời sống - Ngày đăng : 12:45, 24/02/2022
Quy hoạch tổng thể để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng trong tương lai
Trình bày Tờ trình về việc đề nghị xem xét, thông qua chủ trương báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, căn cứ các văn bản pháp lý có liên quan và thực tiễn phát triển, thời gian qua, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai lập báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội theo quy định.
UBND thành phố đã tổ chức hội thảo khoa học về “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội” và mời đại diện các bộ, ngành, thành phố, địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… tham gia phản biện, góp ý kiến về các nội dung có liên quan. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến tham gia, phản biện, đến nay, đã đủ điều kiện để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố theo quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng cho biết, tại tờ trình, thành phố đề xuất, kiến nghị một số định hướng cần nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với giai đoạn sắp tới.
Cùng với việc nêu rõ lý do, sự cần thiết; phạm vi và đối tượng rà soát; các nguyên tắc rà soát đánh giá, nội dung rà soát cơ bản bám sát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, bao gồm: Liên kết vùng; tầm nhìn; mục tiêu, quan điểm, tính chất và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (gồm quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa, mật độ và phân bổ dân cư).
Tờ trình cũng nêu định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh); định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, gồm định hướng quy hoạch 12 chuyên ngành, ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; định hướng bảo tồn di sản.
Đáng chú ý, tờ trình đã chỉ ra 8 tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhận định: Là Thủ đô của quốc gia, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nằm trong cấu trúc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, là hạt nhân vùng Đồng bằng sông Hồng, là đô thị đặc biệt, có cả khu vực nông thôn với khu vực hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%), nhưng thực tế, Thủ đô vẫn chưa thể phát huy hết vai trò, tiềm năng, thế mạnh tương xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Quy hoạch khu vực hành lang hai bên sông Hồng được xác định theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 chưa phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016; nhiều khu vực quy hoạch chưa hợp lý dẫn đến quá trình triển khai gặp nhiều khiếu nại, đề nghị điều chỉnh…
Tờ trình cũng nêu rõ mục tiêu, quan điểm và định hướng triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với 8 định hướng chính và 3 giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Cùng với đó sẽ nghiên cứu, rà soát, định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số hợp lý, để phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Nghiên cứu mô hình phát triển lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản
Tại tờ trình, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4, phát triển đô thị 2 bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Bởi trên thực tế, vùng Thủ đô Hà Nội với diện tích 24.314,7km2, dân số khoảng 20 triệu người, có diện tích lớn hơn Vùng Thủ đô Tokyo (diện tích khoảng 14.000km2, dân số khoảng 38 triệu người) và lớn hơn Vùng Thủ đô Bangkok cả về diện tích và dân số (diện tích khoảng 7.762km2, dân số khoảng 16 triệu người), nhưng mới chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất...
Thành phố cũng kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội chỉ đạo tổ chức xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo các chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nêu trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030…
Trong đó, lấy chính người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản, giúp Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Hồng.