Phía sau cờ hoa
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:55, 25/02/2022
Ngoài niềm hân hoan, những sự kiện tôn vinh công lao của các nữ cầu thủ và ban huấn luyện, đâu đó là câu chuyện về cầu thủ nữ trở về với gia đình sau hàng năm trời biền biệt, nỗi đau mất người thân khi đang ở nước ngoài thi đấu, niềm vui vì khoản tiền thưởng xứng đáng có thể giúp họ và gia đình vơi bớt một phần khó khăn... Những câu chuyện như thế cho ta hiểu nhiều hơn về đội tuyển bóng đá nữ nói riêng và bóng đá nữ Việt Nam nói chung.
Hiểu thêm để thấy phía sau cờ hoa đón mừng đoàn quân áo đỏ trở về, những lễ mừng công rung động lòng người, những món tiền thưởng từ Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm... còn có biết bao điều đáng lo. Sau tấm vé quý giá, các cầu thủ nữ Việt Nam sẽ dự cúp thế giới cùng với những đối thủ hơn tầm rất xa về nhiều mặt như thế nào? Tấm vé ấy liệu có là cú hích được tận dụng hiệu quả để giúp bóng đá nữ phát triển mạnh mẽ hay không? Các cô gái đá bóng liệu có thể gạt bớt nỗi lo sinh kế cho tương lai để chuyên tâm vào bóng đá khi hoàn cảnh gia đình đa số đều thuộc diện khó khăn và công tác xã hội hóa bóng đá nữ rất khó mang lại hy vọng giải quyết vấn đề này?...
Nghe Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, ông Mai Đức Chung nói chuyện với giới truyền thông mới cảm nhận rõ về nỗi vất vả mà cầu thủ nữ Việt Nam phải chịu đựng. Đó là chuyện cầu thủ nữ phải sống trong phòng ở dưới gầm cầu thang sân vận động, trời nắng như đổ lửa nên phải chung tiền để dùng điều hòa cho dễ ngủ, mà cũng chỉ là lúc nóng lắm mới dám dùng thôi. Lương có người đâu chỉ được hơn 2 triệu đồng/ tháng, trừ “tiền điều hòa” còn chưa đầy 2 triệu. Cố gửi về nhà chút tiền giúp gia đình, chỉ để lại cho mình 300 - 400 nghìn đồng... Họ khổ thế, dễ hiểu vì sao khoản tiền thưởng hàng chục tỷ đồng sau khi đội tuyển nữ giành vinh quang về cho đất nước, dù là rất lớn và thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Nhà nước, nhưng vẫn là giọt nước giữa sa mạc khô cằn, như “một miếng khi đói” chứ không giúp giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Mà đó là các cầu thủ được chọn lên tuyển, còn các nữ cầu thủ khác ở câu lạc bộ - chân đế của bóng đá nữ thì sao?
Bóng đá nữ Việt Nam nhiều cơ hội có mặt tại các giải bóng đá châu lục và thế giới, nhất là khi Liên đoàn Bóng đá thế giới đã quyết định nâng tổng số đội tuyển tham dự ngày hội bóng đá hành tinh lên con số 32. Hy vọng nhiều đấy, nhưng nếu không có chiến lược phát triển hiệu quả thì các cô gái Việt Nam có thể tụt lại sau Thái Lan, Myanmar và nhất là Philippines - đội bóng gồm đa số cầu thủ sinh sống tại Mỹ, không thể coi thường. Chiến lược đó phải hướng vào mục tiêu nâng cao mức đầu tư, nâng số đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia, cố gắng tổ chức giải đấu ở cấp độ thấp hơn - tương tự giải hạng Nhất quốc gia của bóng đá nam. Muốn vậy thì phải có chân đế rộng và vững, điều khó có được nếu nguồn tuyển chọn vận động viên và số đội bóng tham dự giải quốc gia chỉ loanh quanh mấy cái tên như Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam... Muốn có chân đế vững vàng thì không thể trông cả vào công tác xã hội hóa hay nguồn kinh phí từ ngành Thể thao, nhất là khi bóng đá nữ chưa thu hút được sự quan tâm rộng khắp của khán giả cùng các doanh nghiệp. Bên cạnh việc “chạy tiền” để đào tạo trẻ, mở rộng nguồn tuyển cho các câu lạc bộ, có những giải pháp khác để giải quyết vấn đề này nếu có sự tham gia thực chất của các bộ, ngành liên quan. Dễ thấy nhất và cũng dễ tạo hiệu quả nhất là phát triển bóng đá học đường nhờ sự quan tâm của liên bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Giáo dục và Đào tạo...
Bóng đá nữ không giống bóng đá nam. Câu chuyện lương ít - lương nhiều, sự quan tâm hay thờ ơ từ khán giả không liên quan tới ý niệm về bình đẳng giới, mà là thực tế đời sống bóng đá, cần lời giải và cách ứng xử thích hợp.