Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 17:17, 25/02/2022

(HNMO) - Chiều 25-2, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 5 (khóa XIII) phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị khảo sát về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên phục vụ Đề án Trung ương 5 (khóa XIII). Hội nghị khảo sát 2 đơn vị của thành phố Hà Nội là Huyện ủy Thạch Thất và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội.

Tham dự và chủ trì hội nghị về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang; cùng đại diện lãnh đạo các vụ liên quan của Ban Tổ chức Trung ương.

Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng đại diện lãnh đạo Huyện ủy Thạch Thất, các đơn vị liên quan của Thành ủy Hà Nội. Vì lý do dịch Covid-19 nên Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội gửi báo cáo đến hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang phát biểu tại hội nghị.

Xây dựng mô hình chi bộ, đảng bộ kiểu mẫu

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) dự kiến sẽ diễn ra đầu tháng 5-2022, trong đó sẽ bàn và ban hành Nghị quyết về xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên. Đây là một nội dung rất quan trọng. Trong quá trình chuẩn bị, Ban Chỉ đạo đã tiếp thu tối đa ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đồng thời tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước. Hiện Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo lần thứ 3, tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị địa phương và tổ chức các hội thảo sắp tới. “Việc chọn huyện Thạch Thất và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhằm nghe ý kiến trực tiếp tham gia vào Đề án; đề xuất các giải pháp thực hiện, nhất là những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”, đồng chí Hoàng Đăng Quang cho biết.

Trên cơ sở đó, đồng chí Hoàng Đăng Quang gợi mở một số nội dung tập trung thảo luận gồm: Cho ý kiến vào những nhận định đánh giá trong dự thảo báo cáo tổng kết, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; những khó khăn bất cập; quan điểm về các mục tiêu như: Bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên đến năm 2025 và 2030.

Với các nhiệm vụ giải pháp, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ những nội dung: Không tổ chức đảng bộ bộ phận trực thuộc xã, phường, thị trấn; sắp xếp mô hình tổ chức đảng trong các loại hình tổ dân phố, khu dân cư, khu chung cư, đô thị, đơn vị sự nghiệp theo ngành lãnh thổ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu, đảng bộ kiểu mẫu; ban hành quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cơ sở. Cùng với đó là cho ý kiến về một số chủ trương thực hiện như: Thí điểm sinh hoạt đảng cho đảng viên, sinh viên đi làm ăn xa; thí điểm hình thức sinh hoạt đảng với một số chi bộ đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và một số chi bộ đông đảng viên…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Huyện ủy Thạch Thất cho biết, tính đến ngày 31-12-2020 (thời điểm kết thúc Đề án), Đảng bộ huyện có 45 tổ chức cơ sở Đảng gồm 23 đảng bộ xã, thị trấn; 11 đảng bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và 11 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy với 8.815 đảng viên. Cụ thể, sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ, ngày 2-2-2008, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cấp ủy từ Huyện ủy đến cơ sở luôn chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, các tổ chức cơ sở Đảng luôn được giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn, sắp xếp các tổ chức cơ sở Đảng kịp thời, quy định; nền nếp và chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí cao với dự thảo Báo cáo tổng kết xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên từ năm 2010-2020. Trong đó, dự thảo báo cáo đã đánh giá được những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân về công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong 10 năm qua một cách đầy đủ, sâu sắc và sát thực tiễn...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, những vấn đề mà Đề án đưa ra là những vấn đề mà thành phố Hà Nội đang gặp phải. Đồng thời, khẳng định thời gian qua thành phố luôn chủ động và có những giải pháp bước đầu trên tinh thần phù hợp với thực tiễn, ở đâu có tổ chức Đảng phải bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng từ cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải có Nghị quyết xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, vì đây là vấn đề then chốt, nếu làm tốt sẽ nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, thực tế việc triển khai Đề án ở mỗi nơi khác nhau nên cũng cho hiệu quả khác nhau. Vì thế, việc quyết tâm chính trị thực hiện của các tổ chức cơ sở Đảng ở các đơn vị, địa phương rất quan trọng. Trong đó, cần căn cứ tình hình thực tiễn để có kiến nghị cấp trên điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh đô thị hóa với bài toán di biến động dân cư cao, gây khó khăn cho công tác phát triển Đảng và kết nạp đảng viên mới. Cụ thể, tỷ lệ người dân sống ở các chung cư, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng cao trong thời gian tới, nên các địa phương cần có phương án thí điểm việc sinh hoạt chi bộ, thành lập các tổ chức cơ sở Đảng cho phù hợp với thực tiễn.

Góp ý trực tiếp vào các mục tiêu cụ thể của dự thảo báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đảng viên, nghiên cứu triển khai các ứng dụng điều hành tác nghiệp về công tác đảng viên…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang đánh giá cao các ý kiến phát biểu đóng góp tại hội nghị cũng như biểu dương, ghi nhận các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. “Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 5 xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của các đồng chí tại hội nghị này để bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo. Những mô hình hay, cách làm sáng tạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước, qua đó giúp nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên”, đồng chí Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang cũng biểu dương cách làm sáng tạo của Huyện ủy Thạch Thất, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức của địa phương trong việc triển khai Đề án như: Phát triển đảng viên ở các xã miền núi khó khăn; phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc tạo nguồn bí thư cấp ủy ở cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở. Những vấn đề đặt ra tại Huyện ủy Thạch Thất cũng là những khó khăn, thách thức chung ở nhiều địa phương hiện nay trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên cần được Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án Trung ương 5 tiếp thu và bổ sung trong dự thảo báo cáo.

Đình Hiệp