Mục tiêu xuyên suốt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 26/02/2022
Đáng lưu ý, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tinh giản biên chế; tổ chức lại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu mối và tiết kiệm chi… Kết quả nổi bật là năm 2021, các cấp, ngành của thành phố đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm gần 2.700 tỷ đồng từ những khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và chi đầu tư phát triển.
Bám sát chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 27-1-2022 về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của thành phố Hà Nội. Trong đó, thành phố coi một trong những nhiệm vụ trọng tâm là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách địa phương. Thành phố cũng kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Bám sát nhiệm vụ trên, yêu cầu quan trọng lúc này là giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, bảo đảm việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả. Trong đó, cần tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực quản lý “nhạy cảm” như: Ngân sách nhà nước; vốn đầu tư công; nợ công; tài sản công; tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai…
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật chuyên ngành. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội và thực hiện các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền…
Đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xuyên suốt nêu trên sẽ giúp thành phố Hà Nội sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo tiền đề thuận lợi để đạt những mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.