Tỏa sáng những tấm gương y đức
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 26/02/2022
Nỗ lực hết mình vì bệnh nhân
Chăm sóc người bình thường mắc Covid-19 đã vất vả, điều trị cho những người tâm thần mắc Covid-19 càng không đơn giản. Không uống thuốc, không đeo khẩu trang, gây rối, dọa đánh... là những khó khăn mà các nhân viên y tế tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phải đối diện mỗi ngày. Thế nhưng, bác sĩ khu điều trị Covid-19 Vũ Thị Thùy Tươi cũng như các y, bác sĩ tại đây đã và đang vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trò chuyện cùng bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, điều khiến chúng tôi cảm nhận rõ về nữ bác sĩ trẻ này là sự khiêm nhường, giản dị. Nói rất ít về mình, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi chỉ chia sẻ về những khó khăn, vất vả của các đồng nghiệp: “Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các y, bác sĩ, điều dưỡng… đều vất vả như nhau. Chúng tôi chỉ đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến này”.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ năm 2018. Năm 2020, khi Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, điều trị các bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, bác sĩ trẻ Vũ Thị Thùy Tươi chính thức nhận nhiệm vụ. Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi cho biết, với mỗi bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, nhân viên y tế phải áp dụng một phương thức tiếp cận chăm sóc, điều trị khác nhau. Có lúc phải dỗ dành, có lúc phải nghiêm khắc để họ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như tuân thủ việc điều trị, uống thuốc…
“Khó khăn nhất với chúng tôi là điều trị những bệnh nhân cao tuổi. Bởi họ có nhiều bệnh nền kèm theo nên khi mắc Covid-19 diễn biến khó lường. Cùng với đó, trí nhớ của người cao tuổi suy giảm, tiếp xúc khó khăn nên nhân viên y tế khó có thể hỏi được rõ ràng các triệu chứng bất thường. Vì vậy, chúng tôi phải tự đánh giá dựa trên những gì quan sát được và những xét nghiệm có thể làm được. Thậm chí, có những người bệnh cao tuổi bị liệt, không đi lại được, điều dưỡng của bệnh viện phải chăm sóc từ ăn uống đến sinh hoạt hằng ngày cho họ. Hay có người bệnh vào viện trong tình trạng tâm thần không ổn định, kích động, chống đối, có thể tấn công nhân viên y tế, làm bật tung đồ bảo hộ và khẩu trang, khiến nguy cơ phơi nhiễm của y, bác sĩ trong quá trình điều trị cao hơn”, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi tâm sự.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự tận tâm, chu đáo, thời gian qua, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã điều trị khỏi cho hơn 300 người bệnh tâm thần mắc Covid-19. Ngoài ra, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi còn tham gia thực hiện nhiệm vụ tăng cường khám, chữa bệnh ở khu cách ly tập trung của huyện Gia Lâm tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật trung ương.
Với mong muốn phục vụ tốt hơn nữa công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, hiện tại, bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi đang cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đề tài “Đặc điểm lâm sàng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội”. Với đề tài này, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ tìm ra các biểu hiện rõ ràng thường gặp, dễ thấy nhất ở bệnh nhân tâm thần khi mắc Covid-19, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, giúp bệnh nhân sớm bình phục.
Mang yêu thương đi thật xa...
Cũng giống như bác sĩ trẻ Vũ Thị Thùy Tươi, thầy thuốc tương lai Đỗ Mạnh Cầm, lớp Y6F, Khoa Y học cổ truyền (Trường Đại học Y Hà Nội) đã giấu gia đình, viết đơn xin tham gia vào đội tình nguyện của Trường Đại học Y Hà Nội chi viện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại miền Nam, ngay sau khi vừa được nghỉ hè một ngày.
“Là sinh viên năm cuối, tôi đã đi gần như tất cả các chuyên khoa, chứng kiến và thấu hiểu phần nào nỗi vất vả của các thầy, cô, anh, chị trong ngành Y, nhất là các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Chính vì vậy, vào thời điểm dịch Covid-19 tại miền Nam đang “nóng” lên từng ngày, tôi đã chọn xung phong vào tâm dịch, mong muốn góp sức nhỏ của mình cứu giúp được nhiều người bệnh, mang yêu thương đi thật xa”, anh Đỗ Mạnh Cầm tâm sự.
Không chỉ Đỗ Mạnh Cầm mà nhiều sinh viên ngành Y khi đó đã giấu gia đình chuyện mình xung phong vào tâm dịch, vì sợ bố mẹ lo lắng. Vào tâm dịch, họ đã làm tất cả mọi việc từ lấy mẫu bệnh phẩm, truy vết F0, điều trị cho bệnh nhân đến cả những công việc “tay trái” như: Lập danh sách, rà soát đối tượng, xây dựng kho lưu trữ thông tin…
“Thời điểm đó, tình hình dịch khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì em tưởng tượng. Những cuộc điện thoại dồn dập với nội dung: “Khu vực này phát hiện thêm nhiều F0 cần tăng cường thêm nhân viên y tế” hay “nguy kịch lắm rồi”, “F0 đã mất”… báo về liên tục. Thực sự nếu lúc ấy có hỏi em: “Có thấy sợ không”?” thì câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Lo lắng thì có, còn sợ thì không”. Và điều em lo lắng nhất chính là đồng đội của mình bị nhiễm Covid-19. Vì khi đó, nhân lực giúp đỡ các F0 sẽ bị thiếu hụt”, em Đỗ Mạnh Cầm nhớ lại.
Khi nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, những bác sĩ trẻ như Vũ Thị Thùy Tươi hay thầy thuốc tương lai Đỗ Mạnh Cầm đều tâm niệm, phần thưởng cao quý này chính là động lực để họ tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với tinh thần “lương y như từ mẫu”, họ tự nhủ phải hết lòng vì người bệnh, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc. Và hơn cả, phần thưởng họ mong muốn nhận được mỗi ngày chỉ đơn giản là nụ cười chiến thắng bệnh tật của người bệnh.
Ghi nhận và biểu dương những cán bộ y tế của ngành Y tế Thủ đô, cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh: “Trong thời khắc vô cùng khó khăn của cuộc chiến chống dịch Covid-19 diễn ra hơn 2 năm qua, có những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ. Thế nhưng, tất cả những điều đó không làm các chiến sĩ áo trắng chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau các y, bác sĩ là hàng triệu người dân đang dõi theo, tin cậy và hy vọng. Có lửa thì mới thử được vàng, có gian nan thì mới thử được sức. Có những việc chúng tôi không nghĩ mình có thể hoàn thành, nếu không được đặt vào những hoàn cảnh, thời điểm như vậy”.
Có thể thấy, trong trận chiến chống dịch Covid-19 đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng vượt qua tất cả như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế: “Những chiến sĩ áo trắng là những người đi trước về sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 kéo dài và chưa có ngày kết thúc. Chúng ta thầm gửi lời tri ân và cầu mong họ luôn có nhiều sức khỏe, đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả những khó khăn đè nặng trên vai...”.