Ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:14, 26/02/2022
Theo Tổng cục Hải quan, cải cách thủ tục hành chính luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần thực hiện thường xuyên. Đến nay, cơ bản các bước của thủ tục hải quan đã được thực hiện bằng phương thức điện tử. Một số chứng từ, trước đây doanh nghiệp phải nộp bản giấy, đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số.
Bước ngoặt điện tử hóa hải quan bắt đầu từ tháng 4-2014 khi Tổng cục Hải quan chính thức triển khai Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) thay thế cơ chế bán điện tử. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, đến nay tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với 100% đơn vị hải quan, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh (hàng miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và hàng hóa) chỉ từ 1 đến 3 giây.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Từ tháng 12-2019, Tổng cục Hải quan triển khai chính thức chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu. Đến cuối năm 2021 đã có 44 ngân hàng triển khai phối hợp thu, trong đó có 38 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Số thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua ngân hàng đạt 99,8% trên tổng số thu.
Đến hết năm 2021, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.
Với vai trò giúp Bộ Tài chính làm cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với trên 4,3 triệu bộ hồ sơ của hơn 50 nghìn doanh nghiệp. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức, đến nay, số bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần, số lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng khoảng 23 lần, số lượng hồ sơ được khai báo tăng khoảng 193 lần.
Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện NVH Nguyễn Văn Hiến (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cải cách mạnh mẽ trong những năm qua đã giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí”.
Đánh giá trên của doanh nghiệp là có cơ sở khi kết quả khảo sát về Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới do Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ, giảm 57,38 giờ so với năm 2019 (95,78 giờ). Tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 338 USD, giảm 81,72 USD so với năm 2019 (419,72 USD). Tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 54,8 giờ, giảm 48,88 giờ so với năm 2019.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian tới, cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan tiếp tục được đẩy mạnh. Mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Trước mắt, cơ quan hải quan xác định mục tiêu và kế hoạch đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ trong năm 2022 và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.