Để thành công ở “biển lớn“

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 27/02/2022

(HNM) - Vị thế của điện ảnh nước ta trên trường quốc tế hiện vẫn khá mờ nhạt. Dễ thấy nhất là bộ môn nghệ thuật thứ bảy còn đang chật vật tìm đường đến với các giải thưởng danh giá thế giới. Thực tế là, những năm gần đây, điện ảnh Việt cũng có nhiều phim giành được các giải của liên hoan phim quốc tế, nhưng điều đáng tiếc là chưa tác phẩm nào đủ tầm vươn tới các giải thưởng danh giá ở sân chơi uy tín của điện ảnh thế giới như Cannes hay Oscar. Thậm chí, có ý kiến bi quan còn cho rằng, với thực tại hiện nay mà mơ những giải thưởng danh giá như Oscar là viển vông…

Sự “tự ti” của điện ảnh trong nước khi “đem chuông đi đánh xứ người” không phải không có lý do. Bởi thực tế, đã có những tác phẩm được “chọn mặt gửi vàng” để ra “biển lớn” nhưng lại bị chê tơi tả ngay ở trong nước. Hoặc có những tác phẩm dù được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng khi ra rạp lại không tạo nên “cơn sốt” phòng vé.

Lý do thì có nhiều, song tựu trung vẫn ở yếu tố chuyên môn. Thực tế, nền điện ảnh trong nước, bao gồm cả nhà nước và tư nhân sản xuất đã có những tác phẩm gây được sự chú ý, nhưng hầu hết vẫn chỉ dừng ở mức “thường thường bậc trung”. Nói cách khác, các bộ phim được cho là “ăn khách” thì tập trung vào tính giải trí đơn thuần vốn không khó để tìm thấy ở các nền điện ảnh khác; còn những bộ phim có tính nghệ thuật thì đề tài thường đi vào lối mòn, thiếu tính sáng tạo…

Xét tổng thể, sự nỗ lực, cố gắng mang tính đơn lẻ của các nhà làm phim trong nước thời gian qua là chưa đủ, mà ngành Điện ảnh cần có tầm nhìn chiến lược, đầu tư dài hạn. Một trong những vấn đề cốt lõi để hội nhập là điện ảnh Việt Nam phải có nhiều bộ phim mang đậm bản sắc dân tộc, có giá trị nghệ thuật đáp ứng được các tiêu chí, đồng thời tạo ấn tượng mạnh với khán giả cả trong và ngoài nước.

Để làm được điều này cần có sự đầu tư đồng bộ các nguồn lực, bao gồm tài chính, con người (ê kíp sản xuất), kịch bản phim, kỹ thuật - công nghệ… Trong đó, kịch bản phim phải khai thác được những nét riêng, sự độc đáo của đời sống, văn hóa, con người Việt Nam và biến nó thành ngôn ngữ điện ảnh chạm tới trái tim của khán giả.

Yếu tố quan trọng nữa là bên cạnh đẩy mạnh hội nhập với điện ảnh thế giới về xu hướng làm phim, ứng dụng công nghệ, thì điện ảnh Việt phải “hội nhập” từ chính thế mạnh vốn có, tạo nên những lối kể chuyện mới so với điện ảnh các nước khác. Nói cách khác, sẽ khó lòng được ghi nhận nếu sao chép hoặc đi vào lối mòn, mà nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng phải xuất phát từ cá tính sáng tạo, sự tâm huyết đến cùng.

Nền điện ảnh muốn phát triển cũng phải tạo dựng, thu hút được đội ngũ làm phim giỏi. Ngoài tài năng của từng cá nhân, các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút người tài tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là đội ngũ diễn viên, biên kịch…

Song song, các cơ quan chức năng và đơn vị điện ảnh trong nước cần tiếp tục tích cực quảng bá tác phẩm thông qua các sự kiện phim ảnh trong nước và quốc tế. Qua đó vừa lan tỏa tình yêu điện ảnh, các giá trị văn hóa tới đông đảo công chúng, vừa tạo “sân chơi” hữu ích cho người làm điện ảnh được giao lưu, hợp tác để từng bước tạo vị thế ở các “bữa tiệc điện ảnh” trên thế giới.

Điện ảnh có ngôn ngữ rộng lớn, phi quốc gia, dân tộc. Nếu những người làm phim thực hiện bằng tất cả tài năng, tâm huyết và trái tim của mình thì sẽ có được thành công khi ra “biển lớn”.

Chí Kiên