Nhật Bản: Đòn bẩy từ gói ngân sách kỷ lục
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 27/02/2022
Trong tổng kinh phí dự toán cho tài khóa 2022, khoản chi lớn nhất là an sinh xã hội, tăng khoảng 3,78 tỷ USD lên mức kỷ lục 313,9 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng ngân sách, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số tiếp tục đẩy chi phí y tế lên cao. Bên cạnh đó, các khoản chi cho quốc phòng tăng lên mức cao kỷ lục là 46,7 tỷ USD trong năm thứ 8 liên tiếp. Điều này phản ánh nỗ lực của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực an ninh mới như không gian mạng và vũ trụ, nhằm đối phó với các thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực. Chi phí cho an ninh quốc gia bao gồm khoản chi 25,2 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng dành khoảng 43,3 tỷ USD làm quỹ dự phòng để ứng phó với đại dịch trong tương lai, tương đương với số tiền được trích lập cho quỹ dự phòng trong tài khóa hiện tại. Chính phủ Nhật Bản có thể chủ động sử dụng quỹ này mà không cần thông qua quốc hội. Ngoài ra, dự thảo ngân sách trên cũng bao gồm 210 tỷ USD chi phí trả nợ, tăng nhẹ so với con số 205,6 tỷ USD trong dự thảo ngân sách của tài khóa trước.
Theo báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý IV-2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này tăng 1,3% so với quý trước đó và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Yếu tố chủ yếu khiến nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong quý cuối cùng của năm là do chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ đầu tháng 10, khi số ca nhiễm mới giảm mạnh, từ đó giúp chi tiêu tiêu dùng cá nhân hồi phục mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc kim ngạch xuất khẩu tăng 1% cũng đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi của nền kinh tế. Tính chung cả năm 2021, Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 1,7% dù có tới 2 quý tăng trưởng âm. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng dương trong vòng 3 năm qua sau khi tăng trưởng âm 4,5% trong năm 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, đà phục hồi của Nhật Bản đang có nguy cơ chậm lại do sự xuất hiện và lây lan của biến chủng Omicron, khiến tình hình dịch Covid-19 tại nước này trở nên nghiêm trọng. Trong suốt tháng 1, số ca lây nhiễm hằng ngày của Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục (hơn 80.000 ca/ngày), buộc chính phủ phải khôi phục các biện pháp khẩn cấp ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc. Các nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về việc có nên thắt chặt hơn nữa chính sách hạn chế để phòng dịch hay không.
Theo cảnh báo của các nhà kinh tế tại Tập đoàn tài chính Citigroup, làn sóng dịch do biến chủng Omicron có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý này. Nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “Tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Khả năng nền kinh tế sẽ đi xuống trong quý đầu tiên năm 2022 là điều không thể tránh khỏi”. Một báo cáo gần đây của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm mạnh nhất kể từ làn sóng dịch đầu tiên. Tập đoàn Toyota Motor Corp., tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực sản xuất của đất nước, đã thông báo cắt giảm sản lượng do dịch bệnh bùng phát tại nhà máy của một đơn vị cung cấp ở Nhật Bản.
Dự kiến, Thượng viện Nhật Bản sẽ thảo luận và thông qua dự thảo ngân sách năm 2022 trước cuối tháng 3. Người dân xứ sở Hoa anh đào kỳ vọng, bước đi này của chính phủ sẽ tạo điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế Nhật Bản trước những sóng gió do làn sóng dịch Covid-19 mới gây ra.