Đổi mới, nâng chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:16, 27/02/2022

(HNM) - Sau một thời gian triển khai Đề án "Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, thành phố Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực. Tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn toàn thành phố đạt 99,7%. Với mục tiêu đổi mới, nâng chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, Hà Nội đề ra những mục tiêu cụ thể, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ “một cửa” UBND quận Hai Bà Trưng tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hiền Chi

Nhiều kết quả tích cực

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, ngày 12-7-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân.

Theo Văn phòng UBND thành phố, sau khi thành phố ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị mình. Kết quả nổi bật là năm 2021, toàn thành phố đã tiếp nhận 3.510.363 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Tính đến ngày 15-12-2021, thành phố có 1.843 thủ tục hành chính, trong đó có 1.685 thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, điểm mới tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Hà Đông trong năm 2021 là đã vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, thay thế việc lấy phiếu xếp hàng. Công dân không cần lấy số thứ tự, chỉ cần đứng trước máy, chọn lĩnh vực thủ tục hành chính, máy sẽ nhận diện khuôn mặt và các dữ liệu sẽ được lưu vào hệ thống cơ sở dữ liệu với các thông tin như thời gian vào, thời gian đợi, nhân viên giải quyết, thời gian giải quyết...

“Sau 1 năm vận hành, bộ phận “một cửa” của UBND quận đã phục vụ hơn 20.000 lượt giao dịch, khắc phục tình trạng lấy số ảo. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn của quận năm 2021 đạt 99,9%”, bà Cấn Thị Việt Hà thông tin.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn, huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách trực để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, huyện công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công.

Bà Nguyễn Thị Thơm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Cán  bộ phục vụ ở bộ phận “một cửa” nhiều nơi niềm nở, chu đáo, đặc biệt là nhiều thủ tục có thể nộp hồ sơ qua mạng internet nên rất tiện lợi”.  

Quyết tâm đạt mục tiêu

Theo Kế hoạch số 161/KH-UBND, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu, năm 2022 bảo đảm tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính (trước đó), mà cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu… Thành phố phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa” xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch…

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Tuấn Anh cho biết, để thực hiện mục tiêu, văn phòng đang chủ trì xây dựng mô hình mẫu “Bộ phận một cửa hiện đại các cấp của thành phố”, trình UBND thành phố xem xét, xây dựng lộ trình phân cấp đầu tư, nâng cấp và thực hiện thống nhất trên toàn thành phố, dự kiến hoàn thành trong quý I-2022.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cũng khẳng định, ngay trong năm 2022, Sở sẽ hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử và nghiên cứu, khảo sát một số mô hình, sáng kiến cải cách hành chính để đề xuất nhân rộng, áp dụng toàn thành phố.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan: “Cùng với việc ứng dụng công nghệ cần chú trọng nâng cao chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bởi có trình độ chuyên môn tốt mới xây dựng được phần mềm tốt, phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng chia sẻ thông tin thì mới bảo đảm hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp”.

Ở góc độ triển khai, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà kiến nghị, các sở, ngành quan tâm hơn nữa việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, sớm có hướng dẫn chi tiết về số hóa dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp. Đồng thời, sớm triển khai các cơ sở dữ liệu nền tảng chuyên ngành dùng chung trên phạm vi toàn thành phố...

Hiền Thu