Giữ vững đà hồi phục
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 01/03/2022
Để giữ vững nhịp sản xuất, kinh doanh, tiếp nối đà hồi phục từ cuối năm 2021, cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, những tháng đầu năm, cộng đồng doanh nghiệp đã linh hoạt, nâng cao năng lực thích nghi với điều kiện thực tế. Qua đó, tạo được nền tảng vững chắc để triển khai những kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguyên, vật liệu, có đơn hàng đến hết quý II-2022, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động... Đáng mừng là hầu hết các đơn vị khi trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó là có những chế độ đãi ngộ, chăm sóc, tạo được sự yên tâm, phấn khởi, kích thích khả năng, sức sáng tạo của người lao động.
Nhịp điệu lao động, sản xuất trở lại ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm là tín hiệu đáng mừng. Song, hiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp giữ được đà hồi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần triển khai hiệu quả những giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; thực hiện tốt các chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp...
Nhiệm vụ quan trọng nữa là các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập; xây dựng, ban hành các quy định mới, cũng như tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định có thể gây ảnh hưởng đến sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp.
Về phần mình, các doanh nghiệp cần tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; nhất là phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để tối đa hóa những ưu thế của công nghệ vào tất cả các khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần có kế hoạch và chiến lược ứng biến với dịch Covid-19; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động; lựa chọn nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tối đa việc tiết giảm chi phí, "giữ chân" lao động và tăng năng suất...
Kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp, người lao động cần thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; không ngừng tự học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề và luôn thực hiện nghiêm hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể...
Với sự vào cuộc chủ động, đồng bộ từ các bên, các doanh nghiệp sẽ giữ vững được đà hồi phục, phát triển từ cuối năm 2021 và tiếp tục có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm 2022.