Rộng mở thị trường khoa học, công nghệ

Xe++ - Ngày đăng : 06:36, 01/03/2022

(HNM) - Thị trường khoa học và công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ngày 13-1-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 154/QĐ-UBND phê duyệt “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2030”, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước.

Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển. Đặc biệt, thành phố đã chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố. Trong đó có thể thấy nhiều hạn chế như: Thiếu thông tin và các sản phẩm có giá trị; các hoạt động hỗ trợ thị trường công nghệ chưa được tổ chức hiệu quả; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt... Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp; sự kết nối hoạt động nghiên cứu và triển khai với thị trường và doanh nghiệp còn mờ nhạt; đầu tư công cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết, là doanh nghiệp sở hữu 2 sáng chế và 7 giải pháp hữu ích trong lĩnh vực công nghệ nano đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, song doanh nghiệp không thể thế chấp tài sản trí tuệ để vay vốn phục vụ nghiên cứu. Đây là nút thắt rất lớn khiến cho doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, dẫn đến hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phát huy được hết tiềm năng.

Nhiều giải pháp để phát triển

Nhằm đưa thị trường khoa học và công nghệ phát triển, tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 13-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Để thực hiện Quyết định này, ngày 13-1-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, chương trình đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng. Đó là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường khoa học và công nghệ. Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ chính, đó là: Thành lập Sàn giao dịch công nghệ thành phố và thành lập Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh mong Nhà nước ban hành các chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thế chấp tài sản trí tuệ để vay vốn phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối với các viện, trường để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao…

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Thị Hồng Hạnh cho biết, đầu quý III-2022, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Thông tư quy định quản lý tài chính thực hiện các chương trình quốc gia đến năm 2030, trong đó có Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Thu Hằng