Thủ tướng ra công điện yêu cầu các bộ, ngành giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập

Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 01/03/2022

Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 209/CĐ-TTg về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: TTXVN

Công điện nêu rõ: Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108 CV/VPTW ngày 23-6-2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12-11-2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, để đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây viết tắt là bộ, ngành), UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là địa phương), Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Đối với các bộ, ngành:

a) Khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành theo Thông báo số 16/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 21-1-2022 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.  

Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình (có Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong kèm theo) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định; và tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo quy định.

Trường hợp các nội dung còn có ý kiến khác nhau (chưa thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp) thì bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.  

Thời gian gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.

b) Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không quy định trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành):

Yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng: Giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới và tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW). Việc sắp xếp thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện thành lập, có tính kế thừa và phát huy kết quả triển khai sắp xếp giai đoạn 2017-2021, tránh cào bằng, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý, thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.  

Đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7-1-2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2001/NĐ-CP ngày 21-6-2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm tính ổn định và phát triển.  

Thời gian hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập xong trước ngày 30-6-2022.

2. Đối với các địa phương:

a) Về tổ chức hành chính: Các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020.  

b) Về các đơn vị sự nghiệp công lập: Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, đồng thời chủ động xây dựng phương án tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành chuyển về địa phương và thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 120/2000/NĐ-CP ngày 7-10-2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2001/NĐ-CP ngày 21-6-2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm tính ổn định và phát triển.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu): Đề nghị đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị số 150/2020/NĐ-CP ngày 25-12-2020 của Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và Quyết định số 26/2001/QĐ-TTg ngày 12-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Theo V.T/Báo Tin tức