Ngăn chặn thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 02/03/2022

(HNM) - Những ngày gần đây, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh, đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến. Đáng nói, có nhiều loại thuốc quảng cáo chữa Covid-19 trôi nổi trên thị trường được không ít người chọn mua. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng thành phố đã quyết liệt chặn đứng tình trạng buôn bán thuốc điều trị Covid-19 và các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Người dân nên chọn mua thuốc điều trị Covid-19 tại những cửa hàng thuốc uy tín để bảo đảm chất lượng. Ảnh: Minh Quyết

Lợi dụng tình hình để trục lợi

Tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, lợi dụng dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, quảng cáo là “hàng xách tay” và chào bán công khai qua mạng xã hội. Trong vai một đầu mối cần mua thuốc điều trị Covid-19 số lượng lớn, chúng tôi vào tài khoản C.T.T.V.N. hoạt động như một “chợ” tân dược trên mạng xã hội Facebook. Chỉ ít phút sau khi nêu nhu cầu, hàng chục kết nối của những tài khoản khác nhau đã nhắn tin “săn đón”, chào mời nếu khách muốn mua “hàng xách tay” hay hàng “tuồn” từ bệnh viện lớn ra đều được đáp ứng với các mức giá khác nhau.

Trước tình hình này, Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn có chợ thuốc Hapulico (đường Vũ Trọng Phụng) và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đang được kiểm soát chặt bằng các biện pháp nghiệp vụ. Nếu phát hiện kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các loại thuốc điều trị Covid-19, sẽ bị xử lý nghiêm.

“Chiều 23-2 vừa qua, Công an quận Thanh Xuân cùng Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện Bùi Đức Toàn và Đinh Văn Hiểu đang trên đường tiêu thụ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 nhãn hiệu Arbidol. Số hàng này do nước ngoài sản xuất và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, được giao dịch qua mạng xã hội”, Thượng tá Đinh Tuấn Thành thông tin.

Tại quận Hoàn Kiếm ngày 25-2, đoàn công tác liên ngành của quận đã phát hiện 1 cơ sở trên địa bàn phường Chương Dương sản xuất thuốc Đông y nhưng lại “quảng cáo” chữa được Covid-19. Vụ việc hiện đã được lập hồ sơ xử lý.

Chị Nguyễn Thanh Hòa (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều phụ huynh khi có con mắc Covid-19 chưa kịp tìm hiểu đã mua thuốc kháng vi rút không rõ nguồn gốc về cho con uống, mà không biết thuốc này chống chỉ định với người dưới 18 tuổi. Chính vì điều này càng khiến thị trường thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều và tăng giá.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi thuốc kháng vi rút chỉ có công dụng với một số đối tượng bệnh nhân nhất định nên cần đúng chỉ định của bác sĩ, không nên mua hàng trôi nổi chưa được Bộ Y tế chấp thuận. Chưa kể, thuốc trị Covid-19 có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế trên địa bàn quận Đống Đa.  Ảnh: Nguyễn Bắc

Kiểm soát chặt thị trường

Ngày 23-2-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 526/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường thành phố, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để nhanh chóng ổn định tình hình, các đội nghiệp vụ đã đồng loạt tăng cường kiểm tra các cửa hàng việc niêm yết giá đầy đủ, công khai, bán đúng giá, hàng hóa có nguồn gốc, nhãn mác chứng từ đầy đủ. Đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh cùng cam kết tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, không tự ý tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đội Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn, các tổ công tác 141 tăng cường kiểm tra các phương tiện, chủ yếu là xe máy có biểu hiện nghi vấn. Nếu phát hiện chở mặt hàng y tế, thuốc phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc sẽ lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, các tổ công tác liên ngành của quận vẫn triển khai kiểm soát các cửa hàng thuốc quanh khu vực các bệnh viện lớn trên địa bàn để ngăn ngừa các hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi.

Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 526/UBND-KT, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết đã yêu cầu các lực lượng cảnh sát: Kinh tế, hình sự, phòng chống tội phạm công nghệ cao… và công an cơ sở kiên quyết đấu tranh với những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những vụ việc đã bị phát hiện sẽ sớm được xem xét, khởi tố để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Chu Dũng