Hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án giao thông năm 2023
Kinh tế - Ngày đăng : 19:05, 01/02/2023
Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 (94.161 tỷ đồng), ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Trong đó, nguồn vốn nước ngoài đã được giao 100% kế hoạch (4.958 tỷ đồng). Vốn trong nước đã giao 89.177, đạt 99,97% kế hoạch. Còn lại hơn 26 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch.
Trong tổng số vốn đã phân bổ, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các chủ đầu tư khác được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%); các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22,3%).
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, để giải ngân hết 94.161 tỷ đồng nêu trên, trung bình mỗi tháng, Bộ phải “tiêu” gần 8.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân muốn đạt được cao nhất, các đơn vị không còn cách nào khác là phải tập trung dồn lực ngay từ đầu năm.
Để bảo đảm tiến độ công tác giải ngân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu 4 nguyên tắc:
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.
Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, không phải thời gian được Chính phủ ấn định là quý II-2023 địa phương phải bàn giao toàn bộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất bảo đảm sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.
Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Năm nay ngành Giao thông Vận tải không thiếu tiền, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó. Phải tập trung làm cuốn chiếu để giải ngân được nhiều nhất, muốn như vậy phải sẵn sàng kế hoạch, con người thiết bị đầy đủ.
Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tức là có thể triển khai song song nhiều việc, ví dụ như vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở từng phần bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại để đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới…” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tất cả phải bắt tay vào việc ngay. Các đơn vị được giao vốn đầu tư công, phải quyết tâm, tập trung tổ chức thực hiện. Các dự án đang triển khai tập trung thi công, quyết toán, nghiệm thu. Các dự án chuẩn bị đầu tư thì phải tập trung để hoàn thiện thủ tục theo để khởi công. Với vốn lớn phải rất chủ động xây dựng được kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành. Tất cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải nhận diện những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý; những việc vượt thẩm quyền phải khẩn trương, báo cáo kịp thời.
Rút kinh nghiệm từ các Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng theo các quy định cũng như hợp đồng đã ký kết. Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu, phải có chế tài và xử lý ngay.