Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức
Văn hóa - Ngày đăng : 09:40, 03/03/2022
Nét văn minh từ nếp xưa, tục cũ
Nhiều người định kiến rằng những nghi thức cưới xin thời cũ dễ đi liền với hủ tục. Tuy nhiên, để được duy trì đến ngày hôm nay, bản thân những nghi lễ ấy đã có sự thích nghi, biến đổi rất nhiều để lâu dần trở thành một phong tục, nếp sống, nét đẹp văn hóa.
Viết về nghi thức trong một lễ cưới trước đây, nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Cưới” đã chỉ ra những điểm tiến bộ khi người xưa biết tự thích ứng cho phù hợp với hoàn cảnh của xã hội lúc bấy giờ: “Việc thách cưới, chẳng còn chuyện mặc cả, nài ép, không đâu có trường hợp đòn thù truyền kiếp hay gả chồng như mua bán con, bỏ mất ý nghĩa chính của việc thách cưới là cho “đẹp mặt”... Các tục lệ nhỏ như chăng dây, đóng cửa để nhà trai phải cho trẻ con tiền mới mở cho đám đón dâu vào hoặc cô dâu phải bước qua hỏa lò, mẹ ném nắm muối theo chân con gái vừa bước ra hay là ông cụ cầm hương trịnh trọng đi đầu... phần nhiều không còn giữ...”. Còn nhà văn Đỗ Phấn trong tác phẩm “Cưới hỏi theo thời” cũng khẳng định rằng: “Sau hòa bình, người Hà Nội thực hiện nếp sống mới do chính quyền cách mạng vận động. Việc cưới hỏi trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thị dân cũ chỉ còn duy trì ba lễ, Dạm ngõ (Nạp thái), Ăn hỏi (Vấn danh), Thành hôn (Thân nghinh). Thị dân mới nhiều người chỉ còn theo hai lễ Ăn hỏi, Thành hôn mà thôi...”.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, xưa lễ cưới cũng không cứng nhắc theo quy định đã đề ra mà tùy vào vùng miền, tùy theo gia cảnh, mối quan hệ mà các gia đình có thể tổ chức đám cưới to hay nhỏ. Đây cũng là một nét văn minh, cho thấy thanh niên Hà Nội thời đó không phụ thuộc nhiều vào lệ cổ mà tùy hoàn cảnh mà tổ chức lễ cưới. Ông khẳng định: “Cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm chiếm Hà Nội, từ một đô thị theo kiểu truyền thống, Hà Nội chuyển sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây nên nhiều quan niệm về văn hóa cũng thay đổi... Đặc biệt, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ người ta tổ chức cưới theo phong cách “đời sống mới”, tức là không cỗ bàn, khách đến chỉ uống nước chè ăn kẹo bánh và liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn là xong...”.
Thay nếp nghĩ, đổi cách làm
Đáng mừng là cho đến tận bây giờ, nghi lễ cưới hỏi vẫn không ngừng biến đổi để ngày càng thích nghi với cuộc sống hiện đại. Và thanh niên vẫn là lực lượng gương mẫu đi đầu trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở, đưa xu hướng tổ chức cưới văn minh, giản dị lan tỏa, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng.
Khu vực ngoại thành vốn là nơi quan niệm về cưới xin, cỗ bàn còn nặng nề, việc hoãn cưới hay tổ chức báo hỷ dễ dẫn đến "lời ra tiếng vào". Tuy nhiên, trước sự vào cuộc của chính quyền, ngành Văn hóa và các đoàn thể, hầu hết các địa phương đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong vấn đề này. Rõ nhất là hàng loạt mô hình cưới giản dị, tiết kiệm được áp dụng, duy trì tốt trong nhiều năm qua, như: Mô hình tổ chức cưới chỉ với tiệc ngọt, tiệc trà, không mời thuốc lá, không mở loa đài to, kéo dài đến khuya tại quận Hà Đông; mô hình “Đám cưới điểm” tại huyện Đan Phượng; mô hình cưới văn minh, tiết kiệm ở làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, hiện cũng đã loại bỏ hoàn toàn tục thách cưới, tảo hôn, chỉ duy trì một số lễ nghi truyền thống...
Đặc biệt là hơn 2 năm qua khi dịch Covid-19 xuất hiện, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thành công trong việc vận động người dân báo hỷ, hoãn tổ chức tiệc cưới. Phong trào cưới văn minh lồng ghép nội dung phòng, chống dịch bệnh đã được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng với những cách làm sáng tạo, cùng với đó là sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức chia sẻ: “Trong hơn 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện, Huyện đoàn Mỹ Đức đã chỉ đạo các cơ sở đoàn địa phương nắm bắt thông tin về số thanh niên đang có dự định kết hôn, phối hợp cùng với các Tổ Covid cộng đồng, chính quyền địa phương đến gia đình gặp gỡ và động viên thanh niên cùng gia đình hoãn tổ chức đám cưới trong thời gian cao điểm dịch hoặc tổ chức gọn nhẹ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Còn chị Tạ Thị Ngọc Hân, Phó Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng khẳng định: “Trong đợt giãn cách từ tháng 7 đến tháng 9-2021, bằng các hình thức vận động, tuyên truyền đa dạng qua các đài truyền thanh, các trang mạng xã hội..., Huyện đoàn đã vận động trên 40 trường hợp hoãn tổ chức cưới. Sau thời điểm giãn cách xã hội, đoàn thanh niên các cấp tiếp tục rà soát và vận động thanh niên cùng gia đình tổ chức đám cưới gọn nhẹ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, vận động mọi người thực hiện 5K khi tham gia đám cưới. Cho đến nay, hầu hết đám cưới trên địa bàn huyện được tổ chức theo hình thức báo hỷ, tiệc cưới diễn ra trong nội bộ gia đình, không có hiện tượng gây bùng dịch do tổ chức cưới”.
Từ những nỗ lực của đoàn viên, thanh niên và tổ chức đoàn các cấp, giờ đây, việc đoàn viên, thanh niên Thủ đô chọn hình thức cưới với tiệc ngọt, tiệc trà vui vẻ, ấm cúng do Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức không còn là cá biệt. Đa số hội viên các hội, ban, ngành, đoàn thể trở thành những tuyên truyền viên kiên trì vận động gia đình, cộng đồng “nói không” với hủ tục khi tổ chức cưới hỏi. Không thể phủ nhận, những chuyển biến tích cực trong việc cưới đã góp phần mang đến cho tuổi trẻ cũng như người dân một đời sống văn hóa mới.
Nếp sống mới làm thay đổi quan niệm cũ
Hòa vào công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm vẫn đang được tuổi trẻ Thủ đô tuyên truyền, nhân rộng từng ngày. Từ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Kế hoạch 141-KH/UBND ngày 6-11-2012 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”..., nhiều mô hình cưới văn minh đã được triển khai sâu rộng trên khắp địa bàn Hà Nội, đảm bảo tính trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm mà vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi.
Để việc cưới theo nếp sống văn minh đi vào cuộc sống một cách bền vững, điều quan trọng là tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, với chị Tạ Thị Ngọc Hân, Phó Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng, người từng có nhiều năm tham gia vận động thanh niên trong huyện tổ chức cưới theo nếp sống mới, thì quan trọng là phải thường xuyên gần gũi với các đoàn viên để hiểu được mong muốn, tâm tư của họ, để động viên kịp thời những gương điển hình và nhân rộng hơn nữa những tấm gương ấy trong cộng đồng. Dễ thấy là có nền nếp rồi mới thành phong tục, muốn biến cái mới trở thành thói quen, cách nghĩ, nếp sống thì cần có thời gian, “mưa dầm” mới “thấm lâu”. Những đám cưới theo nếp sống mới sẽ ngày càng được lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về việc cưới của cộng đồng, từ đó từng bước loại bỏ hủ tục, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thủ đô.