Thực hiện quyết liệt các biện pháp về điều hành giá, bình ổn thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 16:39, 03/03/2022
Yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá khiến nguy cơ lạm phát gia tăng, ngày 3-3, Bộ Tài chính đã thông tin về vấn đề này.
Theo Bộ Tài chính, mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó, ngoài những tác động theo quy luật hằng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có xăng, dầu và gas.
Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 2 tháng đầu năm. Một số mặt hàng phòng, chống dịch như kit-test xét nghiệm Covid-19 tăng giá cục bộ do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết khi người dân quay trở lại làm việc, học tập, số ca nhiễm tăng...
Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1-2-2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá cả chỉ nhích tăng nhẹ trước và trong Tết, sau đó trở lại bình thường.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý này dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022. Đó là: Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi, như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…; giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó, với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định.
Không điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và các dự báo cho thấy, vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân; tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách hay thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.
Cùng với đó là theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các giải pháp về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm…
Cùng ngày, Bộ Công Thương cho biết, trong 2 tháng đầu năm, nhu cầu thực phẩm tăng nên giá một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng so với tháng trước đó.
Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, do có thời gian trùng với các dịp lễ lớn trong năm, nhu cầu thực phẩm tăng nên giá một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm tại một số thời điểm có xu hướng tăng so với tháng trước đó. Giá một số mặt hàng rau, củ tăng do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại và mưa nhiều tại một số tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, giá một số loại rau củ, hoa quả được cho là có tác dụng phòng, chống dịch Covid-19 (gừng, sả, tía tô, cam sành…) cũng tăng cao hơn so với ngày thường do nhu cầu tăng.
Để khắc phục những vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương sẽ đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường... Bộ cũng kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa...