Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2022): Tự hào truyền thống vẻ vang

Chính trị - Ngày đăng : 07:03, 03/03/2022

(HNM) - Ngày 3-3-1949 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố - dù đã có những tên gọi khác nhau với nhiều lần chia tách, hợp nhất để phù hợp yêu cầu thực tiễn - luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, với truyền thống vẻ vang đáng tự hào.

Chung khảo hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi thành phố năm 2021 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng

Vào ngày 17-3-1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội chính thức ra đời. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, để tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng ủng hộ phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đội tuyên truyền xung phong. Đây là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Tháng 11-1938, Tỉnh ủy Hà Đông được thành lập; tháng 10-1940, Tỉnh ủy Sơn Tây ra đời. Lúc này, công tác chính trị của cả 3 Đảng bộ là tập trung tổ chức, xây dựng lực lượng, chuẩn bị các điều kiện đấu tranh cách mạng, tiến tới giải phóng dân tộc.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946), nhiệm vụ chủ yếu của công tác tuyên truyền ở 3 Đảng bộ: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây là vận động nhân dân bảo vệ chính quyền non trẻ, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Vì thế, ngày 3-3-1949, trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ/TUHN tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ - đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Nhiệm vụ chủ yếu của các Ban Tuyên huấn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây giai đoạn 1949-1954 là tập trung tăng cường huấn luyện lập trường tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên; tham gia gây dựng cơ sở cách mạng; tuyên truyền tin chiến thắng trên các chiến trường nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào đại thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô. Từ đó, ngày 3-3-1949 đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ thời chiến đến thời bình, Ban Tuyên huấn của Hà Nội, Hà Tây đã làm tốt công tác tư tưởng, tuyên giáo, đóng góp quan trọng vào thành công chung của 2 địa phương và cả nước. Với bề dày thành tích của 73 năm nỗ lực phấn đấu và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, thành phố trao tặng.

 Ngày 1-8-2008, thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (ra đời trên cơ sở hợp nhất giữa hai cơ quan là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây và Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) được sắp xếp, kiện toàn. Trong bối cảnh, tình hình và những nhiệm vụ đặt ra của ngành Tuyên giáo, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo Thủ đô không ngừng phát huy, nêu cao tinh thần đoàn kết - năng động - sáng tạo - tâm huyết - trách nhiệm trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao với một xung lực mới và quyết tâm cao.

Đổi mới công tác tuyên giáo trong tình hình mới

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội... Trong bối cảnh đó, dự báo tác động sâu sắc đến công tác tuyên giáo, cả mặt thuận và không thuận, đòi hỏi ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trước hết, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền triển khai các đề án, nghị quyết, chuyên đề xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Mới đây là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng trong năm của Thủ đô và đất nước; chủ đề công tác năm của thành phố; thực hiện 2 quy tắc ứng xử gắn với đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị. Thông tin, tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt; phát hành các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022.

Trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng sẽ triển khai toàn diện, hiệu quả các lĩnh vực công tác khoa giáo, trong đó quan tâm nắm tình hình, tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tham mưu cho cấp ủy các cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII), Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 21-9-2021 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp nối truyền thống hơn 70 năm đầy vẻ vang.

Đình Hiệp