Công tác vận động tài trợ cho SEA Games 31: Đã vơi nỗi lo ''đầu tiên''
Thể thao - Ngày đăng : 07:19, 04/03/2022
Sớm “cán đích”
Thực tế, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới nhiều doanh nghiệp, đã có những lo ngại về công tác vận động tài trợ cho SEA Games 31.
Không lo sao được khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi khâu vận động tài trợ vốn không phải là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Có thể thấy điều đó qua hai sự kiện tầm cỡ châu lục gồm Đại hội thể thao trong nhà châu Á (ASIAN Indoor Games) năm 2009 và Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ASIAN Beach Games) năm 2016 - những giải đấu khó thu hút tài trợ, cần có kế hoạch đặc biệt về tiếp thị, vận động tài trợ. Trong thực tế, bộ máy vận động tài trợ cho hai sự kiện đó chỉ có thể huy động được những khoản tài trợ vừa phải, chủ yếu là hiện vật.
Nếu nhìn xa hơn, cũng chỉ có lần đăng cai SEA Games 22 (năm 2003) là chúng ta thu được thành công trong công tác vận động tài trợ. Bộ máy vận động tài trợ cho sự kiện này không phải là chuyên nghiệp, nhưng do SEA Games năm đó có sức hút quá lớn nên việc vận động tài trợ diễn ra suôn sẻ. Ban tổ chức SEA Games 22 vận động được nguồn tài trợ 70 tỷ đồng (tính cả tiền mặt và hiện vật), tương đương khoảng 4,5 triệu USD so với tỷ giá khi đó. Và đó cũng là mốc tài trợ mà Ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn đạt được.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến từng chia sẻ rằng, đạt được mốc tài trợ 70 tỷ đồng cũng là thành công, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng ảnh hưởng, gây hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp.
Còn một lý do khác khiến cho chúng ta lo lắng, đó là công tác vận động tài trợ cho SEA Games 31 được khởi động khá muộn, chỉ hơn 1 năm trước ngày khai mạc trong khi bình thường phải là hơn 2 năm. Trong bối cảnh đó, mục tiêu vận động tài trợ ở mức 70 tỷ đồng không phải là thấp. Chính phía Ban tổ chức SEA Games 31 cũng như Tổng cục TDTT đã hiểu điều này nên xác định cần phải có bộ máy vận động tiếp thị tài trợ thực sự chuyên nghiệp. Thế nên Ban tổ chức đã quyết định bắt tay với một đơn vị về tiếp thị, vận động tài trợ là Công ty cổ phần Thương mại và Nội dung số Việt (Vietcontent) để thực hiện mảng tư vấn vận động tài trợ cho SEA Games 31. Nhờ vậy, đến cuối tháng 1-2022, Ban tổ chức khẳng định đã hoàn tất 99% mục tiêu vận động tài trợ đã đề ra. Và cách đây ít ngày, có thêm 3 doanh nghiệp ký hợp đồng tài trợ cho SEA Games 31, Ban tổ chức có thể thở phào vì đã bảo đảm vượt chỉ tiêu 70 tỷ đồng.
Hướng đến cột mốc mới
Ngay khi vượt mốc 70 tỷ đồng tài trợ cho SEA Games 31, Vietcontent cho biết họ đang nỗ lực để tiếp tục kêu gọi thêm những doanh nghiệp khác tham gia tài trợ. Hiện tại, có nhiều tín hiệu thuận lợi trong việc này khi nền kinh tế đang có dấu hiệu lạc quan trở lại sau khi Việt Nam thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thực tế, con số 70 tỷ đồng của năm 2003 nếu quy đổi ra USD là khoảng 4,5 triệu USD, tương đương gần 100 tỷ đồng so với tỷ giá hiện nay. Và đây được xem là động lực cho các nhà tổ chức, đơn vị tư vấn trong việc nâng cao hiệu quả vận động tài trợ cho SEA Games 31 chứ không hài lòng với mức 70 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, với những diễn biến vừa qua, đặc biệt là việc vượt khó để đạt mục tiêu huy động tài trợ cho SEA Games 31, khả năng vận động tài trợ vượt xa mốc 70 tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức SEA Games 31 - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Ban tổ chức cam kết hỗ trợ, phối hợp để công tác tài trợ cho SEA Games 31 được triển khai thuận lợi, đạt hiệu quả lớn hơn nữa.
Vấn đề cần được quan tâm ngay từ bây giờ chính là cách hợp tác, ứng xử của các bên liên quan với các nhà tài trợ, qua đó bảo đảm quyền lợi cho các nhà tài trợ, giúp họ có niềm tin vào Ban tổ chức. Đó cũng là cách góp phần giúp khâu tiếp thị, vận động tài trợ cho những sự kiện quốc tế sau này mà thể thao Việt Nam đăng cai trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn.