Nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường
Bất động sản - Ngày đăng : 16:03, 04/03/2022
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có nhiều cơ chế hỗ trợ về nhà ở: Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Tổng nguồn vốn cho vay là 15.000 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Cùng với hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp để mở cửa nền kinh tế, nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... cho thấy quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là động lực, môi trường thuận lợi để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển.
Theo đó, thời gian tới, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, phân khúc bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo chung cư cũ và nhà ở giá bình dân cho các đối tượng thu nhập thấp sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản.
Để bảo đảm thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển ổn định, lành mạnh, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản; đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản... để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.
Các địa phương cần tổ chức công bố thông tin để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; tập trung tháo gỡ các thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư của các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá bình dân cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh quy hoạch tăng cơ cấu nhà ở giá bình dân cho phù hợp...
Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản...