Nhạc kịch: Hướng đi để làm mới sân khấu Việt

Giải trí - Ngày đăng : 17:08, 05/03/2022

(HNMCT) - Sôi động, dễ hấp dẫn khán giả, nhạc kịch đang là một thể loại được nhiều đơn vị nghệ thuật tập trung dàn dựng để làm mới sân khấu. Thậm chí, nhiều người đã mơ tới một sân khấu nhạc kịch thuần Việt hấp dẫn.

Vở nhạc kịch “Sóng” trên sàn tập Nhà hát Tuổi trẻ.

Vở nhạc kịch thuần Việt

Nhà hát Tuổi trẻ đang dựng nhạc kịch “Sóng”, lấy cảm hứng từ cuộc đời và tình yêu của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng là tổng đạo diễn của vở kịch, “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt, 100% số người thực hiện là người Việt Nam.

Mặc dù được coi là mạo hiểm hơn so với việc chuyển thể một vở nhạc kịch nước ngoài, việc bắt tay thực hiện vở nhạc kịch thuần Việt với đề tài về cuộc đời và tình yêu của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được xem là lựa chọn hợp lý. Sự nổi tiếng trong đời thực của cặp đôi tài hoa này, cộng với chất liệu dồi dào từ chính những sáng tác của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh tự nó đã mang đến cho vở kịch chất thơ, nhạc đầy lãng mạn, hấp dẫn. Được biết, “Thuyền và biển” là bài hát chủ đề xuyên suốt vở nhạc kịch, được phối khí biến hóa, lúc cồn cào, lúc dịu êm... như những cung bậc tình yêu. Các nhạc sĩ cũng phổ nhạc cho hơn chục bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... và đưa chất liệu là những bức thư tình của họ vào vở kịch. Sao Mai Việt Anh, nam chính của vở diễn đánh giá: “Đây là vở kịch có phần âm nhạc rất hay, được sáng tác dựa trên lời thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ và thể hiện thành một câu chuyện chặt chẽ. Riêng phần âm nhạc mình đã rất yên tâm và tin tưởng vào sự thành công bởi yếu tố nhạc đặc biệt quan trọng đối với nhạc kịch”.

NSƯT Cao Ngọc Ánh là người có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhạc kịch. Năm 2014, chị tu nghiệp tại Nhật Bản về thể loại nhạc kịch. Trước đó, chị đã thực hiện rất thành công chương trình “Trời biếc thu sang” có sự kết hợp giữa âm nhạc trẻ trung và những bài thơ lãng mạn của Xuân Quỳnh. Bên cạnh đó, để thực hiện vở nhạc kịch này, Nhà hát Tuổi trẻ chọn kết hợp với nghệ sĩ trẻ Nguyễn Triều Dương, người được đào tạo bài bản về nhạc kịch từ Anh quốc và đã gặt hái thành công trong vai trò đạo diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (dàn dựng cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam năm 2020). Vai nữ chính do Thu Thảo đảm nhận. Thu Thảo hiện đang là sinh viên Đại học Văn hóa (Hà Nội), được lựa chọn thông qua casting. Sự hợp lý trong lựa chọn đề tài cũng như kinh nghiệm của ê kíp khiến nhiều người tin tưởng vào sự thành công của vở nhạc kịch thuần Việt này.

Mơ xa…

Ngoài việc dựng lại những vở nhạc kịch kinh điển của nước ngoài, thời gian gần đây, nhiều đạo diễn, đơn vị sản xuất đã bắt tay dựng mới những vở nhạc kịch với mong muốn xây dựng thành công sân khấu nhạc kịch thuần Việt. Sâu khấu kịch phía Nam có “Dế mèn phiêu lưu ký” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh; “Tiên nga” của sân khấu Idecaf; nhóm Buffalo với loạt nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tuyết Sài Gòn”, “Tấm Cám”, “Vũ nữ”; “Lọ Lem truyền kỳ” của sân khấu Trịnh Kim Chi... Ở phía Bắc có “Hà Nội ngày tháng năm: Những thanh xuân rực rỡ” và “Hà Nội xưa và nay” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ...

Qua việc chuẩn bị ra mắt vở nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ, có thể thấy nhạc kịch vẫn là “món quý” trong đời sống kịch nghệ hiện nay, hấp dẫn khán giả nhưng không dễ làm. Theo đạo diễn Nguyễn Triều Dương, nhạc kịch là loại hình khá mới mẻ tại Việt Nam và tìm được người hiểu được loại hình này không đơn giản. Người diễn viên phải thuần thục cả diễn xuất, ca hát lẫn vũ đạo, thậm chí phải giỏi ngoại ngữ để thể hiện các vở nhạc kịch nước ngoài. Trong khi đó, các ca sĩ ở Việt Nam thường được đào tạo thanh nhạc để hát Opera nên khi diễn nhạc kịch, họ thiếu kỹ năng nhảy múa, diễn xuất như các diễn viên nhạc kịch; diễn viên kịch thì hạn chế về khả năng ca hát, nhảy múa. Ngay cả khi dựng vở “Những người khốn khổ” cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đạo diễn này cùng biên đạo trong ê kíp đã phải làm việc rất nhiều để hướng dẫn, bổ sung kỹ năng nhảy múa, diễn xuất cho các diễn viên. Còn với vở “Sóng”, thời gian đào tạo vũ đạo, tập luyện cho diễn viên lên tới 6 tháng.

Nhiều nghệ sĩ nhận định, nhạc kịch là hướng đi của sân khấu trong tương lai gần. Sự yêu thích của khán giả dành cho các vở nhạc kịch - rất nhiều vở nhạc kịch “cháy vé” - chứng tỏ sức hấp dẫn của thể loại này. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một thể loại có phong cách riêng, có những thành tựu bền vững, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng thì vẫn còn nhiều điều phải bàn, trong đó, đáng kể nhất là sự thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản.

An Định