Hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 05/03/2022

Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Quyết định số 556-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Soạn thảo xây dựng Dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.

Theo Quyết định, Ban Soạn thảo gồm 17 thành viên, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là Trưởng ban; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga là Phó Trưởng ban Thường trực; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng là Phó Trưởng ban.

Ban Soạn thảo có nhiệm vụ triển khai xây dựng Dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 3-3-2022 của Đảng đoàn Quốc hội.

Việc ban hành Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch số 13-KH/BCĐTƯ và Chương trình công tác số 14-CTr/BCĐTƯ của Ban Chỉ đạo nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Kế hoạch số 03-KH/TƯ ngày 1-12-2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công phải góp phần đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực. Nội dung Kế hoạch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao, có sự kết hợp chặt chẽ với Kế hoạch số 527-KH/ĐĐQH15 ngày 9-2-2022 của Đảng đoàn Quốc hội về “Triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”; phải phân công trách nhiệm và xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng ban Chỉ đạo được phân công chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện 4 nhiệm vụ, cụ thể là: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp để phòng, chống tiêu cực; Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…

TTXVN