“Vườn ươm” cho nhạc hàn lâm
Giải trí - Ngày đăng : 06:12, 06/03/2022
Cơ hội biểu diễn chuyên nghiệp
Bắt đầu hoạt động từ tháng 3 này, Dàn nhạc giao hưởng trẻ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAMYO) là mô hình dàn nhạc giao hưởng dành cho học sinh, sinh viên âm nhạc. Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, với sự phát triển cởi mở, hội nhập và đầy tiềm năng của lĩnh vực âm nhạc hàn lâm trong những năm gần đây, bên cạnh Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức Dàn nhạc giao hưởng trẻ nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên bước vào thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp sớm hơn, tự tin bước trên con đường âm nhạc dài lâu. Dàn nhạc còn dành cơ hội cho các học sinh, sinh viên có năng khiếu âm nhạc ngoài nhà trường tham gia.
VNAMYO được tổ chức theo đúng biên chế của một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, với sự chỉ đạo và định hướng phát triển của Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cùng sự cố vấn chuyên môn, huấn luyện của các nhà hoạt động âm nhạc uy tín cả nước, như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng trường; Nghệ sĩ ưu tú Phạm Trường Sơn, Trưởng bộ môn Hòa tấu; Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Công Thắng, Phó Trưởng khoa Dây; Phó Giáo sư Ngô Phương Đông, Trưởng khoa Kèn gõ; Nghệ sĩ ưu tú, nhạc trưởng Trần Vương Thạch; nhạc trưởng Đồng Quang Vinh… Dàn nhạc tập luyện và biểu diễn đều đặn vào chủ nhật hằng tuần tại phòng hòa nhạc tiêu chuẩn quốc tế duy nhất tại Việt Nam… Chương trình luyện tập và biểu diễn gồm những tác phẩm vừa kinh điển, hàn lâm lại vừa trẻ trung, mang tính đại chúng.
Tương tự, vừa tiến hành các vòng tuyển chọn thành viên từ 12 đến 22 tuổi, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) do Học viện Âm nhạc VYMI thành lập với sự đồng hành và hợp tác chiến lược của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đang sẵn sàng bước vào hoạt động. VYO do nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc dẫn dắt, với sự tham gia cố vấn của những nghệ sĩ uy tín thuộc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, như các Nghệ sĩ ưu tú: Trịnh Tùng Linh, Kim Xuân Hiếu, Đào Mai Anh, Lê Hoàng Lan; nhạc trưởng Honna Tetsuji. Các bạn trẻ sẽ tập luyện hằng tuần tại khán phòng của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, được các nghệ sĩ tài năng: Nguyễn Hà Linh (violon), Phùng Hoài Thu (viola), Lưu Ly Ly (cello), Nguyễn Quỳnh Oanh (flute), Nghiêm Mạnh Tuấn (bộ gõ)… huấn luyện. VYO sẽ có những chương trình biểu diễn dành cho cộng đồng và có cơ hội biểu diễn trong các buổi hòa nhạc lớn cùng những dàn nhạc chuyên nghiệp.
Đầy hứng khởi khi vượt qua các vòng tuyển chọn để góp mặt trong VYO với vị trí violon, em Hoàng Mỹ Anh, 12 tuổi chia sẻ: “Em rất vui vì có cơ hội sinh hoạt trong một dàn nhạc giao hưởng, được gặp gỡ, học hỏi các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Em hy vọng cùng những người bạn mới chia sẻ, tìm hiểu âm nhạc và góp sức lan tỏa giá trị âm nhạc hàn lâm đến mọi người”.
Tạo nguồn phát triển bền vững
Ươm dưỡng âm nhạc hàn lâm từ thế hệ trẻ là việc làm rất quan trọng, nhằm thúc đẩy và tạo nguồn phát triển bền vững. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, cố vấn chuyên môn, chỉ huy VNAMYO kể: Ở các nước phát triển, dàn nhạc giao hưởng cho lứa tuổi thanh thiếu niên được thành lập ở khắp nơi và họ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngoài biểu diễn thường xuyên, hằng năm, các dàn nhạc trẻ được thi tài và giao lưu biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cách để phát triển văn hóa, nghệ thuật quốc gia và nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.
Đồng quan điểm, nhạc trưởng VYO Phan Đỗ Phúc cho rằng, việc thành lập VYO là một bước để xây dựng mối quan hệ lâu dài với âm nhạc hàn lâm cho thế hệ trẻ, để các em khám phá, chơi nhạc cùng nhau, trở thành những công dân toàn cầu có sự trân trọng sâu sắc đối với nghệ thuật, góp phần kiến tạo đời sống âm nhạc Việt Nam tương lai lành mạnh, phát triển.
Song, có một thực trạng của âm nhạc giao hưởng Việt Nam hiện nay, theo Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp như: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh… đang thiếu nhân lực chất lượng, trình độ biểu diễn chưa chuyên nghiệp. Cùng với đó, nhu cầu hưởng thụ của người dân với âm nhạc hàn lâm ngày càng cao, nhiều địa phương đang xây dựng các nhà hát dành cho biểu diễn nhạc giao hưởng, kéo theo đó là nhu cầu về lực lượng biểu diễn. Vì vậy, việc tổ chức dàn nhạc giao hưởng trẻ, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ tương lai bước vào âm nhạc chuyên nghiệp sớm rất cấp thiết; đồng thời tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các dàn nhạc giao hưởng.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy cũng nhìn nhận, tổ chức nhiều mô hình dàn nhạc giao hưởng trẻ là tín hiệu tốt, sẽ thúc đẩy âm nhạc hàn lâm Việt Nam phát triển. Song, để tạo bước tiến toàn diện, bền vững cho nghệ thuật bác học nước nhà, nỗ lực của một vài đơn vị là chưa đủ, cần có chiến lược đầu tư đồng đều cho thế hệ tương lai.