Hướng tới nhiều mục tiêu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 07/03/2022

(HNM) - Những vấn đề đặt ra từ câu chuyện ùn ứ nông sản tại nhiều cửa khẩu thời gian vừa qua khi nhà nhập khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, cho thấy: Việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường, hướng đến những thị trường có giá trị cao cho nông sản Việt Nam là hết sức cần thiết. Thực tế, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu truyền thống.

Để đáp ứng quy định khắt khe và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản của các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia…; đồng thời phát triển một nền công nghiệp thực phẩm hiện đại, đáp ứng đòi hỏi mới của thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ… sản xuất an toàn, bền vững, hướng tới xuất khẩu với hàng loạt giải pháp như: Kiểm soát dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh gắn với cấp mã số… Tuy nhiên, kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong năm 2021 cho thấy, ở nhiều địa phương, người nông dân vẫn chưa tuân thủ các quy định về trồng trọt, chăn nuôi an toàn. Đơn cử phân tích 40 mẫu bưởi ở tỉnh Phú Thọ có tới dư lượng 10 loại thuốc bảo vệ thực vật trong tất cả các mẫu.

Có thể thấy, để từng bước đưa nông sản Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường có giá trị cao thì vấn đề quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, cùng với các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng và tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời hướng dẫn người nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách, từng bước chuyển sang sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường; bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu.

Và giải pháp cơ bản để phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu là đẩy mạnh quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có thể truy xuất nguồn gốc; sản xuất theo hướng hữu cơ và gắn với công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác là tăng cường liên kết để triển khai đồng bộ quy trình từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.

Song hành với việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng như chế biến nông sản, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu xuất khẩu, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cần thông báo kịp thời quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường cho doanh nghiệp và người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp; đồng thời có giải pháp kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu.

Kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ để thỏa mãn yêu cầu của các thị trường có giá trị cao, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân mà còn hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Thế Văn