Để nông dân trở thành ''chuyên gia'' đồng ruộng
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:23, 07/03/2022
Bà Nguyễn Thị Ngư ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) - một trong những nông dân xuất sắc về sản xuất rau an toàn cho Công ty VinEco chia sẻ: Thông thường, để bảo đảm cây trồng không bị phá hoại bởi côn trùng, nấm, vi khuẩn, chuột... nông dân sử dụng hóa chất. Điều này có thể giúp giảm dịch trước mắt nhưng lâu dài dễ bùng phát sự gây hại của các loài khác. Chưa kể việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Tương tự, nhiều nông dân sản xuất lúa tại xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) cũng đã thay đổi nhận thức và thuần thục các khâu trong sản xuất an toàn, chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Phong Nguyễn Văn Tiến cho biết: Trong những năm qua, nhờ các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật hiệu quả của ngành Nông nghiệp cũng như địa phương, nhiều nông dân “ưu tú” thực sự là “chuyên gia” trên đồng ruộng, nắm rõ nhiều biện pháp tiên tiến trong sản xuất và lan tỏa tới nhiều nông dân khác. Nhờ đó, sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật toàn phần trên cây lúa chiếm tới 90% diện tích.
Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất an toàn, bền vững, riêng năm 2021, ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện nông dân nòng cốt, xây dựng các mô hình đẩy mạnh thực hiện ứng dụng IPM trên cây trồng tại nhiều địa phương theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Theo Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, giai đoạn 2016-2021, Hà Nội lồng ghép triển khai nhiều hoạt động thuộc Chương trình IPM, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân IPM trên cây lúa, rau, chè… Các hoạt động đào tạo, tập huấn chú trọng vào nội dung thiết thực theo nhu cầu của người học và yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua thực hiện chương trình cho thấy, các mô hình IPM trên lúa, rau, chè, cây ăn quả… giúp nông dân giảm 15-30% lượng giống, 25-35% thuốc hóa học, 15-25% phân bón vô cơ; năng suất tăng 15-22,5%... Bên cạnh đó, với phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc”, người dân được trực tiếp học và thực hành ngay trên đồng ruộng. Cụ thể, hiện có tới 90% diện tích đất trồng lúa ở Hà Nội được áp dụng IPM, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm chất lượng nông sản, bảo tồn thiên địch theo nguyên tắc của Chương trình IPM.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh: Chương trình IPM được triển khai ở Hà Nội từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đào tạo kiến thức IPM cho nông dân nòng cốt tại các địa phương, lực lượng này tích cực tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, làng xóm cùng thực hiện. Nhờ linh hoạt trong triển khai, Hà Nội đã làm tốt chương trình này so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Bình quân, vùng Đồng bằng sông Hồng dùng 1,5-1,8kg thuốc bảo vệ thực vật cho 1ha canh tác thì Hà Nội chỉ dưới 1kg/ha hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cây lúa. Thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như: Lúa, rau màu, hoa, cây cảnh… và tiếp tục coi IPM là một trong những mục tiêu chính trong lĩnh vực nông nghiệp.