Triển khai kế hoạch công tác HĐND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Chính trị - Ngày đăng : 14:11, 07/03/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham gia của Thường trực HĐND 18 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Các đại biểu đã nghe 8 tham luận, báo cáo của Thường trực HĐND các địa phương, nêu bật những thành tích và những tồn tại trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố trong năm 2021. Qua đó, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chính của năm 2022 là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND; tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát; tiếp tục nâng cao vai trò của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và mỗi đại biểu HĐND; tích cực tham gia các chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, các chương trình hoạt động của Quốc hội tại địa phương...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả công tác của HĐND các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, nhấn mạnh việc HĐND các tỉnh, thành cần tiếp tục xây dựng, thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn... Địa phương nào chưa có thì nên xây dựng để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND. Mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp...
Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp”. Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong năm qua và nhiệm vụ năm 2022. Theo báo cáo, HĐND nhiều địa phương đã phối hợp triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài việc tổ chức ít nhất 2 kỳ họp thường lệ, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp chuyên đề; các địa phương đã ban hành từ 35 đến 190 Nghị quyết, tạo cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Hoạt động giám sát của HĐND tiếp tục được nâng cao, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đạt kết quả cao (87,6%). Nhiệm vụ tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định, do vậy, các cơ quan đã thụ lý, giải quyết đạt hơn 89%...
Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là vẫn còn tình trạng UBND chậm gửi tài liệu cho các Ban của HĐND trước kỳ họp, gây ảnh hưởng đến báo cáo thẩm tra của các Ban. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức; tổ đại biểu HĐND và các đại biểu còn lúng túng về phương pháp giám sát sau chất vấn. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri có nơi còn chậm; chưa có quy định về cơ chế phối hợp, xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri giữa Trung ương và địa phương; chưa có chế tài xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân không giải quyết kịp thời, dứt điểm...