Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lựa chọn cán bộ

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:26, 07/03/2022

(HNM) - 1. Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc và là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”... nhưng thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Một trong số đó là chưa xác lập đúng và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lựa chọn cán bộ.

Nhằm khắc phục vấn đề này, trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã đề ra giải pháp: “Thực hiện thí điểm một số chủ trương như: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Thực tế, qua tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ, bên cạnh kết quả tích cực là cơ bản, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Căn nguyên của tình trạng này có nhiều, song một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất là việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc dư luận. Trường hợp Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, nhưng sau đó buộc phải thu hồi quyết định là một ví dụ điển hình.

Tại Hà Nội, những hạn chế này cũng đã được Thành ủy Hà Nội chỉ rõ và nêu cụ thể trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy khóa XVII về Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, đó là: “Nhận thức của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, “việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường, cá biệt có trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện”, “chủ trương thi tuyển, tiến cử, miễn nhiệm, từ chức chậm triển khai, kết quả hạn chế”...

Vì thế có thể nói, chủ trương thí điểm để người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình nêu trong Kết luận số 21-KL/TƯ được cho là bước đột phá trong tư duy, là giải pháp đúng, trúng, được chờ đợi và cần được triển khai thực hiện sớm.

2. Theo Kế hoạch số 03-KH/TƯ ngày 1-12-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ, Ban Tổ chức Trung ương được giao nhiệm vụ tham mưu triển khai chủ trương thí điểm nêu trên từ năm 2023. Trong khi chủ trương này chưa được thực hiện, thì với các quy định hiện hành, các cấp ủy và lãnh đạo vẫn có thể chủ động nâng cao vai trò, xác lập đúng trách nhiệm người đứng đầu trong lựa chọn cán bộ.

Là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ cũng như vai trò, trách nhiệm bản thân mình trong lĩnh vực quan trọng này; từ đó, không ngừng học tập, rèn luyện để có những phẩm chất, năng lực và uy tín cần thiết phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Người đứng đầu cấp ủy phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tấm gương về phẩm chất, năng lực, trước hết là trong công tác cán bộ bảo đảm công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất, mọi quyết định về nhân sự phải có sức thuyết phục cao.

Đối với các cấp ủy Đảng, cần chủ động phân công, phân cấp mạnh hơn về công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người đứng đầu có vai trò, quyền hạn và trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác nhân sự theo quy định của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Điều quan trọng là các cấp ủy Đảng cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, nhất là 2 trọng tâm, 5 đột phá; thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Tại Hà Nội, vừa qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo ban hành đồng bộ các quy định với nhiều giải pháp đột phá trên các lĩnh vực công tác cán bộ. Tinh thần này thể hiện rất rõ nét trong Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội, việc thực hiện tốt nghị quyết quan trọng này cũng chính là bước đi chủ động, tích cực nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, khắc phục những hạn chế lâu nay.

Mặc dù vậy, để xác lập đúng trách nhiệm và người đứng đầu tự chịu trách nhiệm đến cùng trong công tác cán bộ, mong rằng sẽ sớm có những quy định có tính pháp lý cao, ràng buộc mạnh mẽ hơn.

Minh Nguyệt