Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục, đào tạo
Giáo dục - Ngày đăng : 14:52, 08/03/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc.
Tham gia làm việc có các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo các cục, vụ, các cơ quan thuộc Bộ.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Tạm dừng đến trường, không dừng việc học
Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện nghiêm tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng.
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Năm học 2021, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế. Hiện thành phố có 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 63,9% (1.791/2.802).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 80-85%.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,5%. Các trường học, cơ sở giáo dục được tổ chức học trực tiếp dựa trên nguyên tắc: Thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2...
Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong nội thành
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã làm rõ một số vấn đề trọng tâm, cốt lõi, 6 nhóm khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển giáo dục - đào tạo của Hà Nội và 3 nhóm kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành trung ương.
Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong nội thành Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường cao đẳng, đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Thành phố kiến nghị Bộ tính tới yếu tố đặc thù để hướng dẫn cụ thể các trường trong nội đô không còn quỹ đất mở rộng trường học được phép xây cao tầng hơn và tính bình quân diện tích sàn để xét tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thành lập một tổ công tác chung để hỗ trợ thành phố, tập trung vào 3 lĩnh vực: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thu hút nguồn lực, phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao ngang tầm khu vực, thế giới và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất lĩnh vực này.
Trao đổi và giải đáp các kiến nghị của Hà Nội, các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, thành quả giáo dục và đào tạo của Thủ đô rất lớn. Các ý kiến đều đánh giá rất cao chủ trương của Thành ủy Hà Nội khi coi giáo dục và đào tạo là một trong 3 mũi nhọn đầu tư giai đoạn tới.
Một số ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ tiêu sĩ số học sinh trên một lớp đối với phát triển Thủ đô; đồng thời đề nghị thành phố mở rộng xã hội hóa giáo dục - đào tạo, nâng cao tỷ lệ trường tư trong hệ thống giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ý nghĩa cuộc làm việc, nhất trí với các ý kiến tại buổi làm việc, đặc biệt là tinh thần tăng cường phối hợp cùng thúc đẩy phát triển giáo dục - đào tạo Thủ đô gắn với những định hướng lớn, rất quan trọng mà Hà Nội đang tiến hành là sửa đổi Luật Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo Thủ đô có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt; là đầu tàu, dẫn dắt của hệ thống giáo dục - đào tạo cả nước. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, coi văn hóa, con người là hàng đầu thì giáo dục - đào tạo càng có ý nghĩa to lớn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Bộ sẽ tập trung rà soát các chính sách để mở đường cho giáo dục - đào tạo cả nước, trong đó có Hà Nội phát triển.
“Đề nghị Hà Nội mạnh dạn thí điểm một số chủ trương, chính sách mới để phát triển giáo dục - đào tạo, như hợp tác công tư, tổ chức trường liên cấp, huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ sẵn sàng cử lãnh đạo tham gia tổ công tác phối hợp với thành phố để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong thành phố dành không gian phát triển xứng đáng cho hệ thống các trường đại học trên địa bàn.
Phát triển giáo dục - đào tạo xứng đáng với vị trí Thủ đô
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, là quốc sách hàng đầu; đồng thời yêu cầu triển khai mạnh hơn nữa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.
Xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, coi việc sớm đưa học sinh trở lại trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19, thành phố càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học. Nhờ đó, Hà Nội dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học. Tuy nhiên, xác định giáo dục - đào tạo Thủ đô phải phát triển xứng tầm, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể hóa tinh thần này, thành phố đã xác định giáo dục - đào tạo là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Thành ủy cũng quán triệt tinh thần phải nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, tồn tại, trên cơ sở đó xác định tầm nhìn xa, tính toán dài hơi để phát triển lĩnh vực này.
“Chúng tôi yêu cầu phải đưa tư duy phát triển ngành, lĩnh vực vào trong tư duy phát triển chung của thành phố. Các huyện đang phấn đấu lên quận như Đông Anh, Gia Lâm khi xây dựng hạ tầng giáo dục phải đạt chuẩn quốc gia luôn, tránh để sau này đô thị hóa không còn quỹ đất như ở các quận hiện nay”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, tới đây, thành phố báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố trong thành phố, thành phố giáo dục, khoa học, công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục - đào tạo...
Để bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án để khi được phân bổ vắc xin là tiêm được cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thống nhất cùng với Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo lập tổ công tác, tăng cường phối hợp, giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho giáo dục - đào tạo Thủ đô đổi mới, phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương và nhân dân Thủ đô.
Năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục, với 2.206.906 học sinh; 138.090 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tăng 51 trường và 67.219 học sinh so với cùng kỳ năm học trước).
Các trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành trên địa bàn thành phố có 120 trường với gần 1 triệu sinh viên. Ngoài ra, thành phố còn có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với tổng số 192.590 học viên.