OPEC+ thận trọng với kế hoạch tăng sản lượng dầu

Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 09/03/2022

(HNM) - Bất chấp giá dầu tăng kỷ lục, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 tới. Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng để hạ nhiệt thị trường, quan điểm giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay cho thấy liên minh này muốn ưu tiên các lợi ích kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.

OPEC+ giữ nguyên kế hoạch khai thác sản lượng dầu bất chấp giá dầu tăng cao kỷ lục.

OPEC+ đang dần đưa thêm các thùng dầu trở lại thị trường sau khi thực hiện việc cắt giảm nguồn cung chưa từng có với gần 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng trước, tổ chức này đã nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày/tháng nhằm giúp thị trường năng lượng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Gần đây, OPEC+ phải đối mặt với áp lực tăng lượng dầu khai thác từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu như Mỹ và Ấn Độ để phù hợp với nhu cầu nền kinh tế bắt đầu phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, OPEC+ vẫn quyết định thực hiện chính sách sản lượng dầu một cách thận trọng.

Các nhà phân tích nhận định, OPEC+ lo sợ bất kỳ động thái đột ngột nào cũng sẽ làm hỏng bảng giá dầu. Các quốc gia vùng Vịnh, vốn đã phải hứng chịu sự sụt giảm giá dầu kể từ năm 2014, dường như đều miễn cưỡng hành động ngay lập tức vì thực tế những quốc gia này được hưởng lợi từ đợt tăng giá ngắn hạn. Nhà nghiên cứu Karen Young thuộc Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết: “Nếu dầu duy trì trên 100 USD/thùng, nghĩa là không quốc gia nào trong số 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) phải đối mặt với thâm hụt ngân sách vào năm 2022”. Thế nên, bất chấp sức ép của phương Tây, các nước OPEC+, vốn kiểm soát chung khoảng một nửa sản lượng dầu toàn cầu, muốn duy trì vị thế bá chủ thị trường dầu của khối sau hơn 5 năm cắt giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đang mang lại những cơ hội nhất định cho ngành công nghiệp dầu mỏ vùng Vịnh. Vào cuối tháng 2, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về cơ bản đã tăng lên và có thể cung cấp thay thế nguồn cung của Nga ở cả châu Âu và châu Á. Giá dầu cao đang mang lại lợi ích cho các nước thuộc GCC, cho phép họ tăng nguồn ngân sách đã cạn kiệt do đại dịch.

Ngoài ra, có một nguyên nhân khiến OPEC+ không thể tăng nhanh sản lượng dầu vì hiện tại, chỉ Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Iraq và Azerbaijan là có thể thúc đẩy sản xuất để đáp ứng hạn ngạch của OPEC trong khi những thành viên khác gặp khó khăn do sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất và các năm không đầu tư.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của OPEC+, đồng thời cho biết Mỹ và 30 thành viên khác của IEA đã nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ, nhằm ổn định thị trường năng lượng toàn cầu bị gián đoạn bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá, tình hình hiện nay trên thị trường năng lượng là “rất nghiêm trọng” và đòi hỏi có biện pháp can thiệp thích hợp. Giá dầu Brent Biển Bắc trong phiên giao dịch sáng 7-3 có thời điểm vọt lên mức 139,13 USD/ thùng, tăng 20% so với chốt phiên ngày 4-3 và là mức cao nhất kể từ thời điểm năm 2008.

Khi giá dầu tăng trên 130 USD/thùng, một số thành viên của OPEC+ cho rằng đà tăng đang được thúc đẩy bởi “sự hoảng loạn” chứ không phải do cung cầu không phù hợp. Việc OPEC+ quyết định chỉ tăng nguồn cung ở mức khiêm tốn trong khi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chưa có hồi kết có khả năng đẩy giá dầu và khí đốt tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, liên minh các quốc gia sản xuất dầu có thể hưởng lợi từ giá cao dù điều này có thể đẩy nhiều nền kinh tế khác gặp khó khăn hơn.

Thùy Dương