WHO ''ủng hộ mạnh mẽ'' việc tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 15:37, 09/03/2022
Theo tuyên bố, nhóm chuyên gia của WHO kết luận rằng, miễn dịch được tạo ra khi dùng các loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép mang lại sự bảo vệ cao phòng ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong.
WHO khuyến nghị các nước thực hiện tiêm mũi vắc xin tăng cường khi có nguồn cung phù hợp và sau khi bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, việc tiêm chủng phòng bệnh, bao gồm mũi tăng cường, đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bệnh trở nặng.
Trước đó, năm 2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi vắc xin tăng cường, trong bối cảnh một số nước bắt đầu triển khai tiêm cho người dân.
Tổng Giám đốc WHO cho rằng, các nước giàu nên viện trợ ngay lập tức số vắc xin này cho các nước nghèo chưa có đủ vắc xin để tiêm các mũi cơ bản. Các chuyên gia của WHO khi đó cho biết sẽ tiếp tục đánh giá các dữ liệu.
Khuyến nghị mới nhất của WHO do nhóm cố vấn gồm 18 nhà khoa học đưa ra, tập trung vào tác động của các biến thể đáng lo ngại như Omicron và đánh giá hiệu quả của vắc xin đối với các biến thể này.
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, tiêm mũi vắc xin tăng cường bằng các vắc xin đã được cấp phép giúp khôi phục miễn dịch vốn giảm dần sau các mũi tiêm cơ bản, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh nặng. Các chương trình tiêm tăng cường ở các nước giàu như Anh, Canada và Mỹ cho thấy mũi vắc xin tăng cường giúp chặn đà tăng số ca nhiễm biến thể Omicron và giảm số ca nhập viện cũng như tử vong.
WHO cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình lây lan biến thể Omicron trên thế giới, trong đó có dòng phụ BA.2 - được ghi nhận gây ra những ca tái nhiễm ở một số người đã nhiễm Omicron. Các nghiên cứu khác nhau về Omicron đưa ra những kết quả trái chiều về việc biến thể này có gây bệnh nặng hay không, tuy nhiên các vắc xin hiện nay dường như hiệu quả đối với biến thể này.
WHO lưu ý rằng, các vắc xin ngừa Covid-19 được cấp phép hiện nay đều dựa trên chủng vi rút được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) cách đây hơn 3 năm. Kể từ đó, vi rút đã tiến hóa liên tục và có thể sẽ tiếp tục biến đổi, dẫn đến sự ra đời của các biến thể mới. Vì vậy, các vắc xin cũng cần được nâng cấp.