Đổi mới mạnh mẽ về tư duy phát triển

Bất động sản - Ngày đăng : 08:48, 09/03/2022

(HNMO) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 313/QĐ-TTg ngày 7-3-2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc lập quy hoạch được nhấn mạnh là phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ trên địa bàn.

Ảnh minh họa.

Triển khai đồng bộ

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn cho thấy tính linh hoạt, cơ động của công tác quy hoạch thành phố Hà Nội cũng như thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ với công tác quy hoạch Thủ đô.

Khác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian tới, Hà Nội triển khai đồng bộ các yêu cầu về công tác quy hoạch, định hướng phát triển. Thành phố vừa điều chỉnh quy hoạch chung, vừa lập quy hoạch mới và xây dựng chương trình phát triển đô thị. Đặc biệt, thành phố cũng đang đề xuất điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô. 

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch Thủ đô được bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phải tích hợp, giải quyết hài hòa được nhiều vấn đề lớn. Trước hết, phải làm rõ những định hướng, quan điểm, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng và tổ chức sắp xếp lại không gian. Các mục tiêu này không được tách biệt mà phải được thực hiện hài hòa trong cùng một quy hoạch.

Theo Quyết định số 313/QĐ-TTg, nội dung quy hoạch được xác định gồm 17 lĩnh vực, trong đó chú trọng phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học trên địa bàn Thủ đô... Hệ thống các phương pháp lập quy hoạch phải bảo đảm tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bám sát tầm nhìn phát triển

GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trước đây, Hà Nội vẫn lập các quy hoạch theo phương pháp truyền thống, nay cần phải có tư duy đổi mới về phương pháp lập quy hoạch đô thị. Ví dụ, việc lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải tương ứng với từng khu vực. Việc đổi mới tư duy lập quy hoạch đặc biệt phải bám theo tầm nhìn phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.

Về nội dung này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, trước đây các quy hoạch trên địa bàn thành phố thường được thực hiện rời rạc theo từng ngành, lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông… Đối với quy hoạch xây dựng, có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Chính vì vậy đã tạo ra hệ thống quy hoạch rất phức tạp, nhưng mới chỉ tạo ra liên kết sơ bộ, bước đầu giữa các ngành. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có tới 20 quy hoạch kinh tế xã hội; 76 quy hoạch ngành, lĩnh vực. Hệ thống quy hoạch quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý của Hà Nội.

Từ thực trạng đó, GS.TS.KTS Đỗ Hậu kiến nghị: “Thời gian tới, Hà Nội nên tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trước khi triển khai lập quy hoạch theo định hướng mà nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề ra. Thành phố nên rà soát, đánh giá lại phương pháp lập quy hoạch của giai đoạn trước cũng như các đồ án quy hoạch trước đây để thấy rõ những điểm cần thay đổi”.

Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quan điểm đổi mới mạnh mẽ về tư duy phát triển còn là việc các bộ, ngành có liên quan tham gia ngay từ đầu, cùng Hà Nội lập quy hoạch với các chiến lược rõ ràng. Ví dụ, Bộ Quốc phòng đặt ra vấn đề chiến lược an ninh quốc phòng, bảo vệ Thủ đô thận trọng, kỹ lưỡng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm “bắt tay” để làm rõ hơn yếu tố chống lũ, biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng… Vấn đề giao thông của Thủ đô cũng phải được đặt ra trong quy hoạch một cách mẫu mực, rõ ràng, nhất là vấn đề đường sắt đô thị, giao thông công cộng, sân bay thứ hai… Thành phố cũng cần chú trọng đến quy hoạch không gian ngầm, phù hợp với hướng phát triển đô thị hiện đại.

Bảo Hân