Bịt "lỗ hổng" pháp lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 10/03/2022
Tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất với giá cao rồi "bỏ cọc" không thực hiện dự án cho thấy, các quy định về tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, về năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, về định giá khởi điểm, kiểm tra, giám sát các khâu thực hiện… còn nhiều lỗ hổng. Tổ chức, cá nhân có thể đăng ký tham gia đấu giá, bỏ giá rất cao, thậm chí vô lý nhưng không có chế tài kiểm soát. Ngay cả khi trúng đấu giá đất nhưng "bỏ cọc" cũng không có chế tài xử lý. Vì thế, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phát triển các dự án phục vụ kinh tế - xã hội của địa phương đã bị lợi dụng để tạo mặt bằng giá bất động sản ảo nhằm trục lợi. Thực tế là sau mỗi cuộc đấu giá quyền sử dụng đất bất thường, với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, mặt bằng giá nhà, đất trên khu vực đồng loạt tăng, làm cho thị trường bất động sản méo mó...
Sau khi dư luận “nóng” lên, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng, địa phương đã vào cuộc kiểm tra, chỉ rõ những "lỗ hổng". Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là bổ sung quy định, khắc phục bất cập, đưa hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đúng mục đích, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Trước hết, các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành ngay các quy định bịt "lỗ hổng" về pháp lý trong hoạt động đấu giá đất và quản lý thị trường bất động sản.
Ở khía cạnh này, vấn đề quan trọng nhất là việc xác định năng lực tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, kèm theo yêu cầu báo cáo nội dung dự án triển khai nếu trúng đấu giá, bảo đảm dự án thực sự khả thi. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt nghiêm trường hợp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”, xem xét xử lý hình sự nếu tái phạm. Cùng với đó, việc xác định giá khởi điểm lô đất đấu giá quyền sử dụng phải sát với giá thị trường, được giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc lợi dụng nhằm thông đồng, trục lợi. Cán bộ được giao nhiệm vụ không chỉ nắm chắc nghiệp vụ, quy định, mà còn phải có bản lĩnh và trách nhiệm cao.
Tiếp đó, việc kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, về kinh doanh bất động sản phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không chỉ đến khi xảy ra lình xình mới kiểm tra, rà soát như hiện nay. Thông qua kiểm tra, cơ quan quản lý sớm phát hiện, ngăn chặn ngay giao dịch bất thường, không để xảy ra hậu quả lớn với thị trường bất động sản; hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đúng quy định. Mặt khác, việc công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu. Từng thửa đất phải được định danh với đủ tình trạng pháp lý, giá đất trúng đấu giá, giá đất khu vực, lịch sử giao dịch.
Ngoài ra, vấn đề được kiến nghị nhiều lần là kiên quyết thu hồi dự án có sử dụng đất chậm triển khai; đình chỉ việc chuyển nhượng dự án khi phát hiện sai phạm…; bổ sung các cơ chế, chính sách điều tiết giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.