Không gian dành cho người trẻ khát khao sáng tạo
Giải trí - Ngày đăng : 09:50, 10/03/2022
“Cầu nối” giữa nghệ thuật truyền thống và giới trẻ
Vào trang web của dự án, nhiều người bất ngờ với khối lượng kiến thức khổng lồ cùng cách trình bày bắt mắt. Sau hơn 2 năm thành lập, trang web đã có gần 100.000 lượt truy cập. Theo những người thực hiện dự án thì “Ca Kịch” trong tên gọi là kịch và ca hát, gắn với chữ “Trường” thể hiện tính trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. “Viện” ở đây có thể hiểu là một “học viện” hay “viện bảo tàng” nhằm giáo dục, sưu tầm và trưng bày những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật này.
Là một trong hai người sáng lập dự án từ khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bạn Nguyễn Hữu Dương - cựu Trưởng ban Tổ chức (hiện là sinh viên Đại học Pomona, Mỹ) cho biết, biểu diễn truyền thống Việt Nam vô cùng hay, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn về ý nghĩa hiện thực và nhân văn. Tuy nhiên, ngày nay, trong thời đại hội nhập văn hóa và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, các hình thức sân khấu và diễn xướng dân gian ngày càng ít được giới trẻ quan tâm.
“Yêu thích công nghệ, từ lâu em đã tìm hiểu về nhân văn số (một lĩnh vực học thuật nằm ở vùng giao thoa của kỹ thuật số và các ngành nhân văn) và nhận thấy đây là phương tiện vô cùng hữu ích trong việc quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa và nghệ thuật. Từ đó, em cùng một nhóm bạn trẻ sáng lập Trường Ca Kịch Viện với mục đích sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống tới các bạn trẻ để họ thấy được cái hay, cái đẹp, cái liên quan đến đời sống hiện đại của nghệ thuật nước nhà, để rồi yêu nó và mong muốn góp phần gìn giữ nó” - Nguyễn Hữu Dương chia sẻ.
Theo bạn Bùi Yến Linh, đồng Trưởng ban Tổ chức hiện tại của dự án thì dự án đang có gần 30 thành viên. Khi thành lập, các bạn đều là học sinh THPT, giờ đây các thành viên hầu hết đã là sinh viên các trường đại học ở trong và ngoài nước. Dự án có 5 ban: Truyền thông, Nội dung nghiên cứu, Nhân sự, Tài chính, Thiết kế.
Cũng theo Bùi Yến Linh thì trong hoạt động online, nhóm hoạt động chủ yếu trên website http://truongcakichvien.com và trang Facebook, tập trung vào việc xây dựng các chuyên mục giới thiệu về các thể loại, triển lãm online, và đăng các bài viết theo chủ đề. Nhóm muốn phản ánh chân thật nhất về sự đa dạng văn hóa của mọi vùng miền và giới thiệu nhiều loại hình từ mọi miền, như hát Bả Trạo, Ổi Lỗi, trò Xuân Phả...
“Do tình hình dịch bệnh phức tạp trong năm 2020 - 2021, dự án chủ yếu hoạt động online. Tuy nhiên, trong năm 2021, dự án đã đồng tổ chức một triển lãm ảnh nhỏ với dự án Espelune, thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan. Trong năm 2021, dự án đã tham gia Festival Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam do Đại học RMIT tổ chức với một trong các đối tác là UNESCO, đồng thời tổ chức chuỗi workshop “Sống với văn hóa dân gian” để chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn giá trị truyền thống bằng ngành công nghiệp sáng tạo và trong các nền tảng số” - bạn Bùi Yến Linh thông tin.
Thổi “luồng gió mới”
Để xây dựng dự án như hiện nay, nhóm đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, các học giả và những người đã có kinh nghiệm làm trong các dự án văn hóa khác, như Chèo 48h, Cổ Động, XPlus Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam...
Là một trong những người đã có ý kiến tham vấn với dự án ngay từ khi thành lập, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đánh giá, các bài viết trong trang web của dự án rất chững chạc, công phu, có nghiên cứu kỹ lưỡng tuy chưa thực sự toàn diện.
“Vì đại dịch Covid-19 nên các thành viên của Trường Ca Kịch Viện chưa có nhiều cơ hội để làm offline, nhưng chắc chắn khi đại dịch được kiểm soát, ý tưởng của họ sẽ có sức lan tỏa nhất định đến giới trẻ. Theo tôi, cái cần là các bạn ấy hành động thế nào để những giá trị truyền thống ấy tiếp cận được, tác động được đến giới trẻ, đồng thời Trường Ca Kịch Viện đóng góp được gì cho chính các loại hình ấy thông qua các phương thức hoạt động, quan điểm của mình...” - nghệ sĩ Trung Kiên nhấn mạnh.
Là một người thường xuyên quan tâm tới dự án, bạn Đặng Quỳnh Anh (29 tuổi, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa) nhận xét, Trường Ca Kịch Viện là ý tưởng độc lạ ngay từ tên gọi. Lạ, bởi lẽ đây là một thư viện, kho tàng sống động về các thể loại nghệ thuật cổ truyền ở khắp ba miền. Dự án khai thác chất liệu ở nhiều phương diện, từ âm nhạc, sân khấu, nhạc cụ đến nhân vật, nghệ sĩ biểu diễn..., đồng thời xây dựng hệ thống truyền thông đa phương tiện để đem đến cái nhìn thật sự bao quát và ấn tượng về thế giới nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Độc, có lẽ bởi từ trước đến nay chưa có dự án nào hướng đến âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền được khởi xướng và thực hiện hoàn toàn bởi học sinh THPT. Điều này không chỉ là lối đi cần được khuyến khích mà còn là cơ hội để giới trẻ trau dồi, cảm thụ, thưởng thức, lan tỏa và lưu truyền các loại hình âm nhạc nghệ thuật dân gian truyền thống.
Mong muốn phát triển offline
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê đánh giá: Về mặt xã hội, dự án này có ý nghĩa đặc biệt như là một nỗ lực bảo tồn giá trị di sản văn hóa cho giới trẻ. Điều thú vị là nó được thực hiện bởi giới trẻ, học sinh THPT, cho học sinh, sinh viên. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Tất nhiên, với thời gian chưa lâu và với năng lực nghiên cứu của các bạn trẻ, có thể là mức độ chuyên sâu về các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chưa đạt được như các dự án nghiên cứu khác, nhưng với mục tiêu là quảng bá, giới thiệu và tác động vào ý thức của giới trẻ thì cách làm này rất hay. Nhưng để văn hóa, nhất là nghệ thuật trình diễn dân gian được bảo tồn, phát triển, các thành viên cần đưa hơi thở đương đại vào các loại hình nghệ thuật truyền thống sao cho phù hợp với sự cảm thụ của người trẻ. Ví dụ, cần tạo điều kiện để người trẻ tham gia biểu diễn, sáng tác mới, cải biên, hoặc kết hợp trong các hoạt động văn hóa hiện đại. Bên cạnh đó, trải nghiệm offline mới đem đến những cảm thụ văn hóa thực sự. Online và các nền tảng số chỉ là nơi lưu trữ tài liệu, nghiên cứu, bảo tàng, người trẻ cần được “nhúng vào” trong không gian của nghệ thuật truyền thống thì mới cảm nhận được hết nét tinh túy và xúc cảm văn hóa dân tộc.
Bạn Nguyễn Hữu Dương cho biết, để thu hút giới trẻ quan tâm tới trang web của dự án thì ngoài việc thông tin đưa lên có độ chuẩn xác, nhóm sẽ tập trung trình bày các câu chuyện hấp dẫn, kết hợp với thiết kế đồ họa.
“Chúng em đã xây dựng nhiều nội dung kết hợp cả yếu tố truyền thống và hiện đại như “Cô hồn, COVID, Cô đơn” - Xẩm trong xã hội hiện đại” để các bạn trẻ hiểu rằng nghệ thuật truyền thống có mối quan hệ mật thiết với đời sống hằng ngày. Trong tương lai, chúng em muốn tiếp tục phát triển kho tàng nội dung của dự án, đồng thời tổ chức các sự kiện offline để công chúng được trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn truyền thống của nước nhà. Chúng em cũng muốn tiếp tục xây dựng mạng lưới hợp tác với các nghệ sĩ, học giả và dự án văn hóa khác để cùng phối hợp trong những hoạt động này” - bạn Nguyễn Hữu Dương nhấn mạnh.
Bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ, các thành viên của nhóm Trường Ca Kịch Viện đã xây dựng một “thương hiệu” sáng tạo mang tâm hồn, tư duy và khát vọng của những người trẻ. Chính bản thân họ không nghĩ tương lai sẽ thu được tiền từ các hoạt động offline, tuy nhiên ý tưởng này đã mở ra cánh cửa cho việc làm mới “kho” tư liệu nghệ thuật truyền thống rất có thể đang bị nhiều người trẻ lãng quên.