Đồng bộ và thiết thực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 11/03/2022

(HNM) - Thời gian qua, Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã chuyển biến tích cực, chế độ sinh hoạt được duy trì nền nếp hơn. Ở cơ sở đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ.

Tuy nhiên, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ rõ: “Sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi hạn chế, có cấp ủy đã có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ ảnh hưởng không tốt đến phong trào của địa phương”... Để khắc phục khuyết điểm nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.

Để thực hiện tốt Đề án số 11-ĐA/TU, việc đầu tiên cần thực hiện là lồng ghép sinh hoạt chi bộ với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”.

Đặc biệt, khi sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên. Đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt Đảng, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm.

Nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Do vậy, chi ủy (hoặc bí thư, phó bí thư ở nơi không có chi ủy), trước hết là bí thư chi bộ phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố để lựa chọn đúng, trúng nội dung sinh hoạt, bảo đảm tính toàn diện, xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, chỉ đạo, tránh trùng lặp giữa nhiệm vụ công tác Đảng và nhiệm vụ công tác chuyên môn. Về sinh hoạt chuyên đề, chi bộ cần lựa chọn chuyên đề phù hợp, sát tình hình thực tế của chi bộ.

Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng là cấp ủy các cấp cần thường xuyên quan tâm tạo nguồn, củng cố, kiện toàn cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ bảo đảm số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Cấp ủy cấp trên cũng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở. Trong đó, chú trọng thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống.

Đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án số 11-ĐA/TU, thiết thực từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Thủ đô.

Đỗ Quỳnh Chi