Thu gom chất thải của F0 điều trị tại nhà: Còn nhiều bất cập
Công nghệ - Ngày đăng : 15:24, 11/03/2022
Quản chặt để phòng tránh lây lan
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, trong số các ca mắc Covid-19, hiện có đến 87% là cách ly, điều trị tại nhà. Điều này làm phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt từ người mắc Covid-19 và người chăm sóc. Rác thải của F0 điều trị tại nhà nếu không được quản lý, xử lý đúng quy định sẽ là nguồn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) chia sẻ, về nguyên tắc, việc quản lý, thu gom cần bảo đảm không phát tán mầm bệnh, bảo đảm an toàn cho người thu gom. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả chất thải phát sinh (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh, dụng cụ đựng chất thải) đều được coi là chất thải lây nhiễm và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Tuy vậy, trên thực tế, các F0 ăn ở cùng gia đình, rác thải sinh hoạt thì thu gom chung. Rác thải y tế, bông băng, giấy lau dịch mũi hoặc khạc đờm của bệnh nhân F0 được thu chung vào một túi nilông, sau đó chờ đến lúc có công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom thì sẽ mang bỏ cùng rác thải sinh hoạt. Có gia đình có ý thức thì cho vào túi nilông riêng và màu sắc khác nhau để phân loại, nhưng khi công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom thì vẫn để cùng rác thải sinh hoạt...
Còn nhiều thách thức
Tại Hà Nội, triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngày 6-1-2022, UBND thành phố Hà Nội đã có Phương án 01/PA-UBND phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, rác thải, chất thải của F0 điều trị tại nhà sau khi được phân loại, buộc kín tại các túi đựng chất thải sẽ được các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã phối hợp với tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn thu gom, vận chuyển về điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc các trạm y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn. Sau đó, các đơn vị xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) thu gom, vận chuyển và xử lý trong ngày.
Dù đã có quy định nhưng việc thực hiện còn gặp không ít thách thức. Bác sĩ Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy chia sẻ, theo Phương án 01/PA-UBND của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Cầu Giấy nghiêm túc thực hiện việc xử lý chất thải ở khu thu dung cũng như tại nhà. Tuy nhiên, Cầu Giấy là một trong những quận có số lượng người thuê trọ nhiều, khó khăn trong quản lý F0, cũng như xử lý rác.
Là đơn vị thực hiện thu gom rác thải, ông Nguyễn Hữu Chiến, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay, số lượng F0 tăng nhanh gây nhiều khó khăn cho việc thu gom, vận chuyển chất thải. Trong đó, công tác phổ biến, hướng dẫn tại một số phường, xã chưa được triệt để; còn trường hợp rác thải lây nhiễm không được phân loại, vứt chung cùng rác sinh hoạt, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Việc bỏ rác thải của F0 vào túi màu vàng còn hạn chế, nên công nhân khi đi thu gom rác không nhận biết được. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đưa rác ra điểm thu gom rác không đúng giờ, gây khó khăn cho việc thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, các ca F0 tại nhà nằm rải rác trong các ngõ, ngách sâu, nhà cao tầng, phát sinh nhiều điểm thu, nhân công, phương tiện, phát sinh nhiều chi phí. Đặc biệt, số F0 tại nhà tăng kéo theo lượng rác thải lây nhiễm tăng, song cho đến nay vẫn chưa có đơn giá chính thức về loại rác thải này, gây nhiều khó khăn cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý.
Cần sự chung tay của các hộ gia đình
Tại quận Ba Đình, ông Nguyễn Văn Toàn (URENCO - chi nhánh Ba Đình) cho biết, các F0 điều trị tại nhà đều được các phường lên danh sách, cập nhật hằng ngày. Trên cơ sở đó, công nhân URENCO đến từng điểm thu gom, vận chuyển rác đi theo các ca (10-11h và 15-16h), chuyển về điểm tập kết chung là trạm y tế các phường. Rác thải lây nhiễm này sẽ được URENCO 13 - đơn vị chuyên trách xử lý rác thải y tế (do UBND quận Ba Đình ký hợp đồng vận chuyển, xử lý) đưa đi xử lý.
"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nỗ lực hết sức đi từng ngõ, gõ từng nhà để bảo đảm tất cả rác thải của gia đình có F0 đều được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng yêu cầu phòng, chống dịch, góp phần tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng", ông Toàn chia sẻ.
Tại quận Hoàn Kiếm, việc xử lý kịp thời, an toàn rác thải từ F0 điều trị tại nhà được thực hiện nghiêm túc. Ông Vũ Xuân Đán, Trưởng phòng Quản lý công trình công ích (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm) cho hay, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND các phường tuyên truyền đến từng hộ gia đình để người dân nắm bắt, hướng dẫn các gia đình có F0 điều trị tại nhà cách phân loại, bỏ rác theo quy trình, quy định và mang ra trước cửa nhà theo khung giờ nhất định.
Ban Quản lý dự án quận, UBND các phường cùng URENCO - chi nhánh Hoàn Kiếm thống nhất về danh sách, địa chỉ từng gia đình F0 điều trị tại nhà và thời gian thực hiện thu gom rác thải để thực hiện thu gom thuận lợi, nhanh chóng, an toàn. Các trường hợp F0 điều trị tại nhà có khai báo với trạm y tế phường đều được lên danh sách, tổ chức thu gom rác thải riêng theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, ở một số địa bàn có số ca F0 liên tục tăng cao, công tác quản lý, thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà (có khai báo với tổ dân phố, trạm y tế phường) lại chưa được thực hiện triệt để.
Anh P.V.D (chung cư Đại Kim Building, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho hay: "Từ cuối tháng 2-2022 đến nay, số người nhiễm Covid-19 tại chung cư khá nhiều. Nhiều F0, trong đó có tôi, nghiêm túc báo với trạm y tế phường. UBND phường cũng đã ra quyết định cách ly. Song, việc thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà lại không được thực hiện. Rác thải của các hộ có F0 vẫn vứt cùng rác thải sinh hoạt và được thu gom, xử lý như bình thường".
Về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai chia sẻ, về cơ bản, công tác thu gom, vận chuyển rác thải của F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận vẫn được thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số địa bàn, số lượng F0 tăng nhanh, điển hình như tại phường Hoàng Liệt, dẫn đến Trạm Y tế phường quá tải, chưa tiếp nhận, chuyển tải hết các trường hợp khai báo, cấp giấy xác nhận F0...
Để bảo đảm an toàn, phòng tránh lây nhiễm từ rác thải của F0 điều trị tại nhà, các chuyên gia cho rằng, nên làm tốt công tác tuyên truyền về sự nguy hại của rác thải lây nhiễm, nâng cao nhận thức trong việc quản lý, thu gom rác thải. Đặc biệt, trong đó rất cần sự chung tay, ý thức của các hộ gia đình, người dân.